Đắk Lắk với mục tiêu 90-90-90 trong chiến lược phòng chống HIV/AIDS
Từ năm 2014, Việt Nam chính thức cam kết và triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên hiệp quốc (LHQ) trong phòng, chống HIV/AIDS nhằm tạo tiền đề tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện tại, những chỉ tiêu này ở các địa phương còn khá xa so với mục tiêu 90-90-90, trong đó có Đắk Lắk.
Mục tiêu 90-90-90 được LHQ đề ra tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia vào tháng 7-2014. Theo đó, đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Đặc biệt, với Việt Nam, nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác; người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lũy tích người nhiễm HIV ở nước ta vẫn tiếp tục tăng cao; số người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời đã vượt con số 200 nghìn người. Mỗi năm, vẫn có 12 nghìn người nhiễm HIV mới và 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Trong khi đó, mức độ bao phủ chương trình vẫn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị, chưa đạt mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS. Trong việc thực hiện 2 mục tiêu đầu, Việt Nam mới đạt được mức tương ứng khoảng 78% và 39%. Ở mục tiêu thứ ba, do trong thời gian qua nước ta chưa tổ chức xét nghiệm rộng rãi tải lượng vi rút một cách thường quy nên chưa có số liệu chính xác.
Người nhiễm HIV điều trị ARV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. |
Tại Đắk Lắk, mặc dù từ năm 2011 đến nay, số người nhiễm mới HIV trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần qua các năm (năm 2011 là 164 trường hợp; năm 2013 là 110 trường hợp; năm 2015 là 53 trường hợp và đến tháng 11-2016 là 37 trường hợp), song theo Thạc sĩ Đỗ Văn Phước, Trưởng Phòng Kế hoạch –Tài chính, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, so với 3 mục tiêu mà LHQ đưa ra thì các tỷ lệ đạt được của tỉnh ta còn khá xa. Đối với mục tiêu thứ nhất và thứ hai, đến nay Đắk Lắk mới đạt được gần 40%. Theo khuyến nghị của Bộ Y tế, 100% đơn vị hành chính cấp huyện phải có phòng tư vấn xét nghiệm HIV để đảm bảo cho công tác phát hiện sớm, kiểm soát số người nhiễm. Nhưng, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 6 phòng đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và 5 Trung tâm y tế các huyện Ea Súp, Krông Pắc, Lắk, Krông Bông và TP. Buôn Ma Thuột. Còn với mục tiêu thứ ba, dẫu có khá hơn 2 mục tiêu trước, nhưng cũng chỉ đạt gần 67%.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 1.700 người nhiễm HIV, trong đó có 980 bệnh nhân AIDS còn sống. |
Cũng theo Thạc sĩ Đỗ Văn Phước, hiện nay, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS những năm qua chủ yếu dựa vào viện trợ của quốc tế, hiện nay đã và đang cắt giảm nhanh, trong khi kinh phí từ chương trình mục tiêu y tế quốc gia còn hạn chế, gây khó khăn trong việc thành lập các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại các địa phương. Bước sang năm 2017, thuốc ARV không còn được cấp miễn phí mà thanh toán bằng bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi độ bao phủ thẻ BHYT ở những người đang điều trị ARV mới chỉ đạt 33,3%. Nếu không có thẻ BHYT, nhiều người nhiễm HIV phải ngưng điều trị ARV, bởi hầu hết người nhiễm HIV/AIDS đều là người có hoàn cảnh khó khăn. Ngành Y tế tỉnh đã có dự thảo thành lập “Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV” để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV trình UBND và HĐND tỉnh nhưng chưa được phê duyệt. Bên cạnh đó, sự kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn còn tồn tại. Trên thực tế, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã có kế hoạch đưa người nhiễm về điều trị tại nơi cư trú để tiết kiệm chi phí đi lại, nhưng nhiều người đã từ chối vì e ngại sự kì thị của những người xung quanh.
Trước những khó khăn này, thực hiện mục tiêu 90-90-90 của LHQ được đánh giá là một tham vọng và thách thức lớn nhưng cũng là động lực để ngành Y tế cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng nỗ lực hoàn thành vì sự phát triển chung của toàn xã hội. Trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện tốt việc giám sát các trường hợp nhiễm HIV trong cộng đồng; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội trong phòng chống HIV/AIDS, đồng thời huy động các nguồn kinh phí để hỗ trợ thẻ BHYT cho một số người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Kim Oanh – Thu Huế
Ý kiến bạn đọc