Những điều cần biết về bệnh mù màu
Mù màu là một dị tật bẩm sinh. Khi mắc bệnh, người bệnh vẫn có khả năng nhìn nhận sự vật bình thường, chỉ không phân biệt được một số màu nên người mắc bệnh thường không quan tâm đến khuyết tật của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh này có thể gây ra một số khó khăn, nhất là trong quá trình tham gia giao thông.
Các chuyên gia y tế đã nghiên cứu: Bệnh mù màu là một bệnh di truyền có liên quan đến cặp nhiễm sắc thể giới tính, ở nữ là XX, ở nam là XY. Bệnh phát sinh do đột biến hoặc thiếu một gene trên nhiễm sắc thể X, làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt cần để phân biệt màu sắc. Gene này là gene lặn, người con trai nào nhận được ở mẹ loại gene này thì không thể phân biệt được màu sắc, vì nhiễm sắc thể Y không có gene màu sắc trội để lấn át gene mù màu. Còn phụ nữ chỉ mắc bệnh này nếu có 2 gene mù màu: 1 của mẹ và 1 của bố mắc bệnh truyền cho. Nếu người phụ nữ chỉ có 1 gene bệnh thì sẽ không mắc bệnh mù màu vì gene màu sắc ở nhiễm sắc thể còn lại đủ lấn át gene bệnh. Chính vì vậy, nam giới mắc bệnh mù màu nhiều hơn nữ giới. Bệnh mù màu không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như trí tuệ của người bệnh nên người mang gene bệnh kết hôn và sinh con bình thường khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng cao trong cộng đồng.
Bệnh mù màu có nhiều thể bệnh: có người bị mù màu đỏ, có người bị mù màu xanh, có người bị mù cả màu đỏ và xanh, có người bị mù hoàn toàn mọi màu sắc (tức nhìn vật gì cũng chỉ thấy màu trắng và đen) nhưng cũng có người phân biệt được các màu nhưng nhìn một màu hoặc một số màu nào đó chỉ thấy mờ nhạt.
Bệnh mù màu tuy không nguy hiểm, trầm trọng nhưng gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người bệnh, nhất khi tham gia giao thông. Trường hợp của anh Nguyễn Thế Pháp (30 tuổi, ở thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là một ví dụ. Anh Pháp bị mù màu đỏ và xanh nên trong một lần tham gia giao thông, khi có tín hiệu đèn đỏ báo dừng anh vẫn tiếp tục cho xe chạy và suýt gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Từ đó, mỗi khi đi đến khu vực có tín hiệu đèn, anh đều được vợ hoặc người khác đưa đi. Còn bà Lương Thị Hoàng (65 tuổi, ở thôn 3, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) có 5 người con (3 trai, 2 gái) thì có 3 người con trai bị bệnh mù màu. Bà tâm sự: “Con trai lớn nhà tôi học rất giỏi, ước mơ làm các công việc trong lực lượng vũ trang. Năm 2015 đăng ký thi vào ngành công an nhưng do mắc bệnh mù màu nên bị loại ngay từ lúc kiểm tra sức khỏe”.
Hiện y học chưa có phương pháp chữa bệnh mù màu, tuy nhiên có thể phòng bệnh bằng cách: có thể chẩn đoán trước sinh, kiểm tra sức khỏe, bộ nhiễm sắc thể trước khi lập gia đình để xem có ai mắc bệnh không, tránh con cái sau này mắc bệnh. Bảo vệ mắt khi tiếp xúc với hóa chất; tránh các chấn thương vùng mắt và vùng đầu, dễ gây tổn thương thị giác. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, vì tự ý sử dụng thuốc có thể gây biến chứng không chỉ cho mắt mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Ngoài nguyên nhân do di truyền, những người bị sang chấn, chấn thương vùng đầu, dùng thuốc hoặc hóa chất làm rối loạn màu sắc, đau nửa đầu, bệnh tiểu đường, tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, nghiện rượu mạn tính, thiếu máu hồng cầu hình liềm… cũng gây nên bệnh mù màu. |
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc