Multimedia Đọc Báo in

Hồi sinh những nhịp đập trái tim

08:45, 24/02/2017

Kỹ thuật can thiệp tim mạch đã và đang triển khai tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong 6 tháng qua không chỉ tạo bước đột phá trong điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch ngay tại địa phương mà còn tranh thủ được “thời gian vàng” để cứu sống trái tim trong cơn nguy kịch...

Một ngày sau ca phẫu thuật đặt stent can thiệp tái thông tắc nghẽn động mạch vành, anh Nguyễn Anh Trình (36 tuổi, ở phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ) đã có thể tự ngồi dậy, ăn uống và trò chuyện. Anh chia sẻ: “Lúc đi rẫy về, tôi thấy đau đầu, khó thở, ngực đau. Khi các triệu chứng đau kéo dài và ngày một nặng hơn, tôi được người nhà đưa lên cấp cứu ở BVĐK tỉnh. Các bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán tôi bị nhồi máu cơ tim cấp liền tiến hành chụp mạch vành và can thiệp đặt stent thông chỗ tắc nghẽn động mạch vành phải. Nhờ vậy, tôi đã thoát cơn “thập tử nhất sinh”…”. 

Cụ bà Trần Thị Trình (81 tuổi, ở thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) cũng vừa được các bác sĩ khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch phẫu thuật đặt stent can thiệp động mạch vành kịp thời, cứu sống tính mạng. Thấy mẹ khỏe lại sau phẫu thuật và có thể nói chuyện được, các con của cụ Trình rất vui mừng. Một người con của cụ cho biết: “Hôm đó, mẹ tôi bị khó thở, đau thắt ngực trái dữ dội nên chúng tôi đã đưa bà vào BVĐK huyện cấp cứu và ngay sau đó được chuyển tiếp lên BVĐK tỉnh. Bác sĩ xác định bà bị nhồi máu cơ tim cấp, tình trạng sức khỏe nguy kịch cần phải can thiệp động mạch vành ngay. Khi cuộc phẫu thuật thành công, chúng tôi mới thấy nhẹ nhõm phần nào”.

Bệnh nhân Nguyễn Anh Trình đã hồi phục sức khỏe sau khi được can thiệp tắc nghẽn động mạch vành kịp thời.
Bệnh nhân Nguyễn Anh Trình đã hồi phục sức khỏe sau khi được can thiệp tắc nghẽn động mạch vành kịp thời.

Anh Trình và cụ Trình chỉ là 2 trong số trên 500 trường hợp bệnh lý tim mạch được các y bác sĩ khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch cứu chữa kịp thời, thoát khỏi cảnh tàn phế hoặc tử vong trong vòng 6 tháng qua (kể từ khi khoa thành lập). Trong đó có nhiều ca nhồi máu cơ tim cấp đã ngưng tim, ngưng thở, nhưng may mắn thoát khỏi "án tử" trong gang tấc. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thiện Ái, Trưởng khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch, BVĐK tỉnh cho biết: “Kỹ thuật can thiệp tim mạch được triển khai ngay tại địa phương không chỉ giúp các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tiết kiệm được thời gian, chi phí điều trị mà quan trọng là được cứu chữa kịp thời, giảm nguy cơ tử vong. Bởi, trong bệnh lý nhồi máu cơ tim, từ lúc bệnh nhân có biểu hiện của một cơn đau tim cho đến lúc được can thiệp động mạch vành để làm thông mạch dưới 6 giờ là thời gian tốt, tỷ lệ sống cao và đây được xem là “thời gian vàng” đối với loại bệnh lý này. Trước đây, khi kỹ thuật này chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh, các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đều phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên (tại TP. Hồ Chí Minh) điều trị, nhiều bệnh nhân chưa đến nơi đã tử vong trên đường do thời gian di chuyển từ Đắk Lắk đến TP. Hồ Chí Minh khá dài”.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thiện Ái, Trưởng khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch cho biết, kỹ thuật can thiệp động mạch vành là một thủ thuật đưa một loại ống thông nhỏ (catheter) từ động mạch tay lên lòng động mạch bị tắc để nong và đặt stent (giá đỡ) làm tái thông dòng máu bị tắc nghẽn. Khác với phẫu thuật, kỹ thuật can thiệp nhẹ nhàng hơn, ít đau, ít ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn. 

Kỹ thuật can thiệp tim mạch được triển khai thành công tại BVĐK tỉnh là kết quả của sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật và nhân lực. Đến nay, nhân lực cho khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch đã có 6 thạc sĩ, bác sĩ, trong đó có một thạc sĩ là giảng viên trường Đại học Y dược Huế được điều động về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện. Ngoài các trang thiết bị như: máy siêu âm tim, máy monitoring, máy sốc điện, máy tạo nhịp tạm thời…, khoa còn được trang bị phòng can thiệp tim mạch đạt chuẩn phòng mổ với hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Đây là hệ thống kỹ thuật hiện đại nhất trong chẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu. Kỹ thuật này quan sát được cả các mạch máu nằm trong các tổ chức xương và mô mềm, cho kết quả chính xác về quá trình lưu thông máu khi đi qua các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là quá trình cung cấp máu cho tim. Qua đó, giúp các bác sĩ phát hiện được những bất thường của mạch máu như: mạch máu bị co hẹp, tắc nghẽn, phình mạch, nhồi máu cơ tim, từ đó đưa ra biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời.

Được biết, BVĐK tỉnh hiện là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) trong lĩnh vực phẫu thuật tim. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đào tạo, chuyển giao cho BVĐK tỉnh 4 gói kỹ thuật gồm phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh lý động mạch vành và bệnh lý động mạch chủ. Bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy đã và đang đào tạo phẫu thuật tim hở cho BVĐK tỉnh. Đồng thời, bệnh viện tỉnh cũng đang xúc tiến các hoạt động chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Dự kiến trong vòng 3 năm tới, phẫu thuật tim hở sẽ được triển khai phục vụ người bệnh ngay tại địa phương.     

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc