Multimedia Đọc Báo in

Những thầy thuốc "3 cùng"

08:58, 24/02/2017

“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, luôn ân cần, chu đáo trong công tác chuyên môn…, các cán bộ, chiến sĩ quân y trong các đơn vị quân đội thực sự là những thầy thuốc “3 cùng”, sát cánh của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở.

Trước khi về công tác tại Đại đội Bộ binh 5 (Ban CHQS huyện Buôn Đôn), Trung úy quân nhân chuyên nghiệp, y sĩ Phạm Tuấn Chung từng có thời gian dài công tác trên quần đảo Trường Sa. Chuyên môn vững lại thân thiện, vui tính, luôn hết lòng chăm sóc bệnh nhân, anh đã để lại ấn tượng tốt với đồng đội và người dân trong vùng.

Đơn vị đóng quân nơi biên giới, khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, để bảo đảm quân số khỏe, anh Chung thường xuyên pha nước muối, giã tỏi cho bộ đội sử dụng để đề phòng dịch bệnh. Cuối năm 2016, trên địa bàn đơn vị đóng quân có hàng chục người dân bị sốt xuất huyết, nắm chắc tình hình, anh báo cáo chỉ huy đơn vị đề nghị quân y cấp trên phun thuốc, tẩm màn, hướng dẫn bộ đội ngủ màn, diệt loăng quăng… nhờ vậy Đại đội 5 không có trường hợp nào bị sốt xuất huyết. Chiếc túi y tế luôn thường trực bên hông, bộ đội có mặt ở đâu thì Tuấn Chung ở đó, anh thuộc như lòng bàn tay sức khỏe, thể trạng của từng người. Anh Chung chia sẻ: “Chiến sĩ quân y có hàng trăm đầu việc không tên, từ khám bệnh, cấp thuốc, bảo đảm vệ sinh khu vực nhà ăn, nhà bếp, sân vườn, bể nước, chuồng trại chăn nuôi đến lưu nghiệm thực phẩm, dự báo dự lường tình hình dịch bệnh, báo cáo định kỳ theo ngành dọc…”.

Y tá Hồ Thanh Thanh đăng ký sổ theo dõi bệnh của Đại đội.
Y tá Hồ Thanh Thanh đăng ký sổ theo dõi bệnh của Đại đội.

Đơn vị đông quân, để bảo đảm hoàn thành “trọng trách” được giao, ngoài việc thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, sâu sát bám nắm bộ đội mọi lúc mọi nơi, Trung sĩ Trần Quốc Tặng, y tá Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95, Sư đoàn 2) rất quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cơ bản về cách phòng bệnh, sơ cấp cứu cho các chiến sĩ. Anh Tặng cho biết: “Khi Đại đội tổ chức huấn luyện phân tán, chỉ huy đơn vị thường phân công quân y “bám” bộ phận vất vả và có nguy cơ mất an toàn cao nhất, các hướng còn lại sẽ do chiến sĩ cứu thương của các trung đội, tiểu đội đảm nhiệm. Tôi thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm nhận biết một số biểu hiện, diễn biến của các căn bệnh, triệu chứng thường gặp và kỹ thuật sơ, cấp cứu để trong tình huống khẩn cấp các chiến sĩ cứu thương có thể xử lý ban đầu trước khi quân y có mặt”.

Ngoài túi thuốc chuyên dụng, mỗi lần cùng bộ đội ra thao trường, Hạ sĩ Hồ Thanh Thanh, y tá Đại đội Hỏa lực 12 (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95, Sư đoàn 2) còn có thêm cuốn sách “Những cây thuốc quý quanh ta”. Giờ giải lao, Thanh thường hướng dẫn cho bộ đội về công dụng của những cây thuốc nam có sẵn trong tự nhiên như mã đề, cúc tần, ngũ gia bì, tía tô, kinh giới, hương nhu, sả… để anh em có thể khai thác và sử dụng. Bài tẩm quất của Thanh sau mỗi buổi hành quân đêm khiến bộ đội thích mê, rất nhẹ nhàng mà các khớp xương vẫn kêu rôm rốp, vừa vui tai, vừa giãn gân cốt. Nhiều chiến sĩ trẻ Đại đội 12 tếu táo rằng, “bí kíp tẩm quất gia truyền” mà Thanh truyền cho họ chắc chắn sẽ rất hữu dụng khi muốn… nịnh “bố vợ tương lai”. Với kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian quân ngũ, Thanh dự định sau này xuất ngũ sẽ tiếp tục theo đuổi ngành y để thỏa mãn đam mê.

Đại úy Phạm Thành Nam, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 9 nhận xét: “Những năm gần đây, tỷ lệ quân số khỏe tham gia học tập, công tác của Tiểu đoàn luôn đạt trên 99,7%, kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ quân y đại đội. Trên cương vị là thành viên Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân, các chiến sĩ quân y cũng phát huy rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để anh em thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao tay nghề”. 

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc