Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong công tác tiêm chủng mở rộng ở Cư M'gar

12:01, 03/03/2017

Tiêm chủng mở rộng có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, giúp cơ thể trẻ có sức đề kháng cao, chống lại bệnh tật.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tiêm chủng mở rộng, hằng năm Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar đã tăng cường chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ đến người dân bằng nhiều hình thức, đặc biệt là giúp người dân hiểu hơn về lợi ích của việc tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ để phòng các loại bệnh truyền nhiễm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và một số bệnh truyền nhiễm khác.

 Tiêm phòng cho  học sinh  tại một trường học trên địa bàn huyện  Cư M’gar.
Tiêm phòng cho học sinh tại một trường học trên địa bàn huyện Cư M’gar.

 Song song với công tác tuyên truyền, Trung tâm Y tế huyện còn triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tiêm chủng như: tập huấn  cho cán bộ y tế và các y, bác sĩ trực tiếp tiêm chủng ở các xã, thị trấn về quy trình và kỹ thuật tiêm chủng an toàn, cách quản lý, sử dụng vắc-xin trong tiêm chủng theo đúng quy trình… Các trạm y tế thường tổ chức tiêm ngừa vắc-xin định kỳ cho trẻ từ ngày 11 - 13 hằng tháng, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật. Cách chốt lịch tiêm chủng như vậy đã giúp cho các bậc cha mẹ dễ nhớ và không bỏ sót mũi tiêm cho trẻ. Tại các điểm tiêm chủng, thường xuyên có cán bộ đến các điểm tiêm giám sát về chuyên môn, kỹ thuật và các khâu trong quy trình an toàn tiêm chủng nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những phản ứng phụ sau tiêm.

 

“Trước đây, dù các điểm tiêm chủng được triển khai ngay tại thôn nhưng người dân không đưa con đến tiêm vì sợ con đau. Bây giờ, bà con đã hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng nên mỗi đợt tiêm, người dân đến rất đông, tỷ lệ tiêm chủng đạt cao hơn trước rất nhiều”

 

 
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Trạm y tế xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar)

Nhờ các biện pháp trên nên từ nhiều năm nay, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng trên địa bàn huyện Cư M’gar luôn đạt kết quả cao. Theo thống kê, năm 2016 toàn huyện có 3.565/3.764 trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vắc-xin (đạt tỷ lệ 95,8%)… Công tác tiêm chủng được triển khai hiệu quả đã góp phần giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em trên địa bàn huyện.

Ông Lê Văn Duyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện khẳng định: “Điều quan trọng là người dân đã thay đổi nhận thức, nhân viên y tế không còn phải đến từng nhà vận động mà các bậc cha mẹ đã tự giác đưa trẻ đến trạm y tế tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng đã mang lại kết quả thiết thực trong bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Các bệnh như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, lao, đặc biệt là bệnh sởi đã giảm và hầu như không còn xuất hiện trên địa bàn huyện…”.

Đơn cử như ở xã Quảng Hiệp, trước đây nhiều người dân vẫn chưa hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng, lo sợ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái, song bằng những nỗ lực của cán bộ y tế, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao. Riêng trong năm 2016 tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt gần 90% và 96,6% trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh…

Để duy trì, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ đến người dân, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trực tiếp tham gia tiêm chủng, phấn đấu từng bước giảm đến mức thấp nhất các bệnh truyền nhiễm có thể phòng, chống bằng vắc-xin ở trẻ em. 

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.