Ngành Y tế chủ động phòng chống cúm A/H7N9
Để chủ động ứng phó với nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam và xảy ra tại địa phương, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống dịch.
Ở nước ta, đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do cúm A/H7N9. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng là rất lớn, bởi một số tỉnh của Trung Quốc sát biên giới Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H7N9. Do đó, để đối phó với các tình huống dịch xâm nhập vào Việt Nam và xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống cúm A/H7N9.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch cúm A(H7N9) trên người năm 2017; đồng thời có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động phối hợp với cơ quan thú y để phát hiện ổ dịch cúm trên gia cầm, từ đó thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Các giải pháp được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chú trọng thực hiện, đó là: tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nghi do vi rút và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; chuẩn bị hóa chất, vật tư cho công tác phòng chống dịch; củng cố đội chống dịch cơ động của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, sẵn sàng triển khai khi có dịch xảy ra; đồng thời, phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người để người dân biết và chủ động phòng ngừa…”.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lắk phun hóa chất chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại một trang trại chăn nuôi vịt trên địa bàn. |
Ngoài các hoạt động của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh – đơn vị chủ lực trong phòng chống dịch, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện tăng cường khám, phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân; chụp X-Quang, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nghi nhiễm cúm; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, sẵn sàng tổ chức khám, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra; thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế huyện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H7N9 để tổ chức điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm và có biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời.
Nhờ sự chủ động của ngành chức năng, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân, nhất là những hộ dân trực tiếp chăn nuôi gia cầm đã được nâng cao. Anh Bùi Văn Giáp, chủ trang trại chăn nuôi vịt ở thôn Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) cho biết: “Thông qua tuyên truyền, hướng dẫn của các ngành chức năng, gia đình tôi đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm nói chung và cúm A/H7N9 nói riêng như: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun hóa chất định kỳ 1 lần/tháng để diệt mầm bệnh; chuẩn bị thức ăn cho gia cầm bảo đảm đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi gia cầm, khi phát hiện vịt có dấu hiệu bỏ ăn, sốt phải cách ly và báo cho ngành chức năng biết để theo dõi, xử lý, tránh để bệnh lây lan cho cả đàn và lây sang người”.
Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, bệnh cúm A/H7N9 ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bị bệnh cúm A/H7N9 có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện bệnh cúm A/H7N9 chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm A/H7N9 sang người, người dân không nên ăn gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng và phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời…
Theo Kế hoạch số 1731/KH-UBND của UBND tỉnh về việc phòng chống dịch cúm A/H7N9 năm 2017, công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 trên địa bàn thực hiện theo 4 tình huống dịch: khi chưa có trường hợp bệnh trên người; khi có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây lan từ người sang người; khi phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; khi dịch bùng phát ra cộng đồng, cần giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc