Những điều cần biết về cúm A/H7N9
"H7N9" là cách gọi cho một phân nhánh của virus cúm được tìm thấy ở các loài chim, gia cầm và cũng giống như tất cả các loại virus cúm A, chủng H7N9 cũng có những phân nhánh khác nhau. Từ cuối tháng 3-2013, tại Trung Quốc đã xuất hiện ca nhiễm chủng mới H7N9, khác với chủng virus H7N9 có trước.
Những triệu chứng của bệnh virus H7N9 thường bắt đầu với sốt cao và ho. Rất nhiều trường hợp tiến triển dẫn đến bệnh trầm trọng, bao gồm cả viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Hiện tại vẫn chưa có phép xét nghiệm (test) để phát hiện nhanh và phân biệt giữa virus H7N9 và các loại virus cúm khác. Tuy nhiên, CDC đã phát triển một thử nghiệm phức tạp để phát hiện H7N9 nhưng phải thực hiện trong phòng thí nghiệm y tế công cộng. Phép xét nghiệm này bao gồm việc thu thập mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp (ví dụ, mũi, họng, phổi) của bệnh nhân. Sau đó, mẫu được gửi đến một phòng thí nghiệm, tại đây người ta sẽ tiến hành thủ thuật có tên là phản ứng rRT-PCR (real-time reverse transcriptase polymerase chain reaction). rRT-PCR có độ chính xác cao trong việc phát hiện virus cúm, với thời gian trong vòng 4 giờ. Tuy nhiên, thời gian xử lý và có kết quả còn tuỳ thuộc vào các phòng thí nghiệm.
Nếu chạm vào gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm virus thì con người có thể bị nhiễm bệnh. (Ảnh minh họa) |
Trung Quốc đã tiến hành điều tra, nghiên cứu các ca bị nhiễm virus H7N9 và tiếp xúc gần gũi với nhóm người này nhưng không tìm thấy bằng chứng virus H7N9 lây lan từ người sang người tại thời điểm hiện nay, điều này đồng nghĩa ít có khả năng xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, theo CDC thì việc lây lan virus H7N9 từ người sang người cũng không thể loại trừ bởi virus liên tục tiến hóa, đột biến di truyền, vì vậy giới chức y tế đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch cúm.
Hiện tại vẫn chưa có thuốc chủng ngừa bảo vệ chống lại virus này. CDC đang hợp tác với các cơ quan nghiên cứu của Mỹ và thế giới phát triển một loại vắc-xin để phòng ngừa căn bệnh nói trên. Về thuốc điều trị, CDC khuyến cáo nên dùng oseltamivir (đã có sẵn dưới dạng thuốc gốc hoặc dưới tên thương mại Tamiflu®), và zanamivir (tên thương mại Relenza®) để điều trị H7N9. Hầu hết virus H7N9 đã được nghiên cứu có khả năng nhạy cảm với hai loại thuốc kháng virus từng được sử dụng để điều trị cúm mùa là oseltamivir và zanamivir (thuốc ức chế neuraminidase). Giống như các virus cúm mùa, virus cúm gia cầm A (H7N9) cũng có khả năng kháng lại thuốc adamantanes. Điều quan trọng là chú ý đến nguy cơ virus cúm xuất hiện những thay đổi di truyền, gây giảm hiệu quả của thuốc. Điều này từng xảy ra với virus cúm mùa và cũng có thể xảy ra với virus H7N9 được tìm thấy ở Trung Quốc. Hiện CDC đang tiến hành nghiên cứu để xác định khả năng này của H7N9 đối với các thuốc kháng virus hiện có để sớm phát hiện nguy cơ đột biến di truyền của chúng.
Do H7N9 không lây lan dễ dàng từ người sang người nên tại thời điểm này CDC không khuyên mọi người trì hoãn hoặc hủy bỏ chuyến đi tới vùng có dịch. CDC cũng không khuyến cáo dùng thuốc kháng virus để phòng ngừa hoặc tự điều trị cúm H7N9. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang theo dõi tình hình chặt chẽ và cũng không khuyến cáo bất kỳ hạn chế đi lại. Theo CDC, nếu có công việc hay đi du lịch tới vùng có dịch, mọi người nên duy trì các biện pháp phòng ngừa, như không chạm vào chim hay động vật khác và rửa tay thường xuyên. Nên ăn chín uống chín, nhất là dùng các sản phẩm từ gia cầm và tuân thủ các quy định về phòng chống cúm gia cầm của các nước sở tại. Những người có sốt, ho, hoặc khó thở trong vòng 10 ngày kể từ ngày đi tới vùng có dịch thì nên đi khám bác sĩ.
Bắc Giang
(Dịch từ Cdc.gov -2/2017)
Ý kiến bạn đọc