Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng: Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh mãn tính

15:26, 23/04/2017

Trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng đã  chú trọng đầu tư các trang thiết bị cũng như tích cực áp dụng những kỹ thuật mới nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Trước đây, Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng) chủ yếu thực hiện chữa bệnh bằng các phương pháp thủ công như xoa bóp, bấm huyệt hay sắc thuốc uống. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, nhờ triển khai thêm các kỹ thuật: điện xung, sóng ngắn, siêu âm điều trị, kéo giãn cột sống thì số lượng bệnh nhân đến tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ngày càng tăng. Trung bình, khoa tiếp nhận từ 100 - 120 lượt bệnh nhân/ngày. Hiện khoa có 12 giường bệnh nhưng thực kê luôn đạt từ 20 - 22 giường bệnh. Các trường hợp đến khám, chữa bệnh chủ yếu là các bệnh về xương khớp, di chứng của liệt, tai biến, bệnh mãn tính, tuổi già…

Một bệnh nhân đang được thực hiện phương pháp siêu âm điều trị tại Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng).  Ảnh: Đ. Thi
Một bệnh nhân đang được thực hiện phương pháp siêu âm điều trị tại Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng). Ảnh: Đ. Thi

Một trong những phương pháp điều trị bệnh đạt hiệu quả hiện nay nhất tại Khoa Y học cổ truyền là phương pháp siêu âm điều trị. Từ lâu, phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện tuyến trên cũng như các tỉnh thành khác trong toàn quốc, tuy nhiên, với một huyện vùng sâu như Krông Năng thì đây là một kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và đã đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Tiện lợi của phương pháp siêu âm điều trị là máy được thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển khắp các vị trí trên cơ thể. Để sóng siêu âm lan truyền trong cơ thể, chỉ cần bôi một lượng gel vào nơi tiếp xúc của da và đầu dò siêu âm, sau đó các y, bác sĩ chỉ cần di chuyển đến vùng cần điều trị, người bệnh sẽ cảm thấy những cử động xoa bóp mạnh mẽ hơn so với xoa bóp thông thường do những rung động ở tần số cao và các hiện tượng nén, co, kéo với những tác động đến sự giãn nở ở cơ xảy ra sâu bên trong cơ thể. Thời gian điều trị cho mỗi lượt người bệnh là từ 7 - 10 ngày, trong quá trình điều trị người bệnh sẽ không đau đớn mà cảm nhận rõ ràng sự giảm nhẹ cơn đau, đồng thời nhanh chóng trở lại các hoạt động thường ngày. Theo y sĩ Nguyễn Thị Trang (Khoa Y học cổ truyền) phương pháp siêu âm điều trị được áp dụng cho những trường hợp mắc các bệnh lý về cơ xương khớp, đau thần kinh, chèn ép do thoát vị đĩa đệm, đau cơ, đau do co thắt, phần mềm sau chấn thương hoặc viêm khớp dạng thấp…

Có thể thấy, việc ứng dụng những kỹ thuật mới trong điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền đã mang lại những hiệu quả nhất định cho người bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng, theo quy định chung của Bộ Y tế, một ngày khoa chỉ được khám cho 50 lượt người bệnh nhưng hiện nay mỗi ngày khoa phải khám cho hơn 100 lượt người bệnh thì rất khó nâng cao chất lượng điều trị.

Trước nhu cầu điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng cao của người dân hiện nay, trước mắt Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng vẫn tiếp tục cử cán bộ lên tuyến trên học hỏi, tham dự các khóa tập huấn nâng cao năng lực để phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn; đồng thời đang nỗ lực để được tạo điều kiện về chuyển giao kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của phương pháp này.

Năm 2016, Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng) khám cho trên 21.000 lượt người bệnh, đạt 135% kế hoạch; điều trị nội trú cho gần 15.000 lượt người bệnh, đạt 136% kế hoạch, tăng 26% so với năm 2015. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa đã khám cho gần 5.000 lượt người bệnh, đạt 40% kế hoạch năm. 


Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.