Cách phòng ngừa bệnh lao ở trẻ em
Dù trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin lao (BCG) miễn phí cho trẻ sơ sinh và hiệu quả của mũi tiêm này là giúp cơ thể trẻ có kháng thể chống lại những bệnh lao nguy hiểm như: lao màng não, lao phổi… nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa lao, trẻ đã tiêm phòng vắc-xin vẫn có thể mắc phải những bệnh lao thông thường khác như lao hạch… nếu tiếp xúc thường xuyên với nguồn lây hoặc sức khỏe của trẻ không bảo đảm.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh tiếp nhận điều trị từ 6 - 10 trường hợp lao trẻ em, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chính là do trẻ tiếp xúc thường xuyên với người bị bệnh lao, có thể trong gia đình hoặc những trường hợp bị bệnh lao trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, điều trị… Phần lớn bệnh nhi đều ở thể nhẹ với các loại lao thông thường như: lao hạch, lao màng bụng… nên việc đáp ứng điều trị đạt hiệu quả cao, khoảng 90% trường hợp đều khỏi bệnh. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Bê, Trưởng khoa Nội 1 (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh) cho biết: “So với các trường hợp mắc bệnh lao ở người trưởng thành hoặc người già thì các bệnh nhi mắc lao đáp ứng thuốc điều trị rất tốt, nhanh khỏi bệnh hơn bởi đa số các cháu chỉ mắc một loại bệnh, còn người lớn không chỉ điều trị một bệnh mà cùng lúc vài bệnh như: tim mạch, hen phế quản, huyết áp cao… nên việc đáp ứng thuốc điều trị chậm hơn so với ở trẻ em”.
Điều trị bệnh lao cho trẻ em tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh. |
Tuy vậy, việc phát hiện sớm bệnh lao ở trẻ em có ý nghĩa quyết định trong hiệu quả điều trị bệnh. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, dù trẻ đã được tiêm phòng vắc-xin lao nhưng khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như: sốt âm ỉ kéo dài, da xanh, vã mồ hôi hoặc điều trị bệnh nào đó trong thời gian dài mà không đáp ứng thuốc thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa lao để kiểm tra kịp thời.
Để phòng bệnh lao ở trẻ em, theo bác sĩ Nguyễn Thị Bê, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh, sau sinh trong vòng một tháng đầu cần đưa trẻ đến trạm y tế để tiêm ngừa vắcxin lao (BCG), cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bắt đầu ăn dặm từ lỏng đến đặc kết hợp bú mẹ từ tháng thứ 7, chăm sóc trẻ phải bảo đảm vệ sinh để trẻ khỏe mạnh, có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Đặc biệt, không để trẻ tiếp xúc với nguồn lây (người đang mắc bệnh lao hoặc môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lao như bệnh viện) là biện pháp để phòng bệnh lao cho trẻ hiệu quả nhất.
Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc