Nặng lòng với nghề thuốc gia truyền
Tuy bận rộn với công viêc hiện tại là Kế toán trưởng của Ngân hàng Quân đội chi nhánh Đắk Lắk, nhưng anh Nông Văn Cường (sinh năm 1982, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn giữ nghề thuốc gia truyền của dân tộc Tày.
Anh Cường sinh ra trong một gia đình có 3 đời làm nghề bốc thuốc, chuyên trị các bệnh gan, thận ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Bố của anh là lương y Nông Thanh Bình, người từng được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Huy chương Vì sức khỏe nhân dân năm 2003. Ngay từ nhỏ, anh Cường đã theo bố lên rừng hái cây thuốc, năm lên 9 tuổi anh đã hiểu rõ tường tận về từng loài cây, vị thuốc và công dụng của chúng. Với những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi từ bố được tích lũy, năm lên 18 tuổi anh Cường đã có thể thay bố khám bệnh và bốc thuốc cho bệnh nhân. Năm 2010, bố mất, trăn trở nghề thuốc của gia đình có nguy cơ bị thất truyền nên anh Cường đã quyết định kế thừa và phát huy nghề thuốc.
Lương y Nông Văn Cường bắt mạch cho bệnh nhân. |
Theo anh Cường, làm nghề thuốc không chỉ sử dụng dược liệu để bốc thuốc mà kiêm luôn cả việc đi tìm cây thuốc, chế biến dược liệu và xem bệnh bốc thuốc. “Năm 1991, tôi cùng gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp từ đó tôi không còn cơ hội lên rừng hái thuốc, nhưng hằng năm tôi vẫn nhờ một số người dân có kinh nghiệm, am hiểu về cây thuốc lên rừng lấy rồi về tận nơi thu mua”, anh Cường cho biết. Ngoài việc nhập khoảng 2 tấn thuốc mỗi năm, anh còn chủ động trồng một số loại thuốc trong vườn như thanh thảo, sỏm đen… để có thêm nguồn nguyên liệu.
Tuy công việc vất vả, bận rộn nhưng anh vẫn tranh thủ khám và bốc thuốc cho mọi người. Bằng phương thuốc gia truyền của dân tộc, anh đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Tiếng lành đồn xa, những người ngoài tỉnh như Đắk Nông, Bình Định, Khánh Hòa... cũng tìm đến khám bệnh.
Từ năm 2016, anh tham gia vào Hội Đông y TP. Buôn Ma Thuột với mong muốn được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở các lương y khác; đồng thời cũng thường xuyên đọc sách báo, tìm hiểu qua mạng… để trau dồi kiến thức cho bản thân.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc