Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa của người dân buôn Drang Phốk

20:23, 14/05/2017

Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, thời gian qua, Phòng khám quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng tỉnh tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã thực sự trở thành điểm đến tin cậy của bà con  mỗi khi đau ốm.

Buôn Drang Phốk nằm cách trung tâm xã Krông Na khoảng 30 km, giao thông đi lại khó khăn. Những năm trước đây, quan niệm “trời sinh, trời dưỡng” vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của bà con, nên mỗi khi gia đình nào có người đau ốm, thay vì đến trạm y tế xã để khám bệnh, họ lại mời thầy cúng đến giải trừ hoặc dùng lá cây, rễ cây để chữa bệnh. Do vậy không ít trường hợp đáng tiếc đã xảy ra. 

Y sĩ, Thượng úy
Y sĩ, Thượng úy Phạm Văn Trà khám bệnh cho người dân Drang Phốk tại phòng khám.

Từ thực tế đó, năm 2009, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Phòng khám quân dân y kết hợp tại buôn Drang Phốk và bố trí 1 quân y trực 24/24 giờ để khám và điều trị cho nhân dân. Sau gần 8 năm đi vào hoạt động, phòng khám này đã phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con trong buôn cũng như người dân ở các địa bàn lân cận. Thông qua công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe của các thầy thuốc mang quân hàm xanh, người dân buôn Drang Phốk đã có ý thức trong việc ăn chín uống sôi, chủ động dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, phong tục mời thầy cúng, dùng lá cây, rễ cây để chữa bệnh, sinh đẻ tại nhà của bà con đã được xóa bỏ.

Chị H’Săn Ha Niê, người dân buôn Drang Phốk bộc bạch: mẹ chồng tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi lại mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, đi lại khó khăn. Nhờ có cán bộ, y sĩ của trạm quan tâm, thường xuyên đến tận nhà thăm khám và cấp thuốc nên sức khỏe của bà vẫn ổn định và ăn uống tốt. Vì thế, chúng tôi cũng thấy yên tâm và có thêm thời gian chăm lo việc nương rẫy.

Niềm vui của chị H’Săn Ha cũng là niềm vui chung của nhiều gia đình khác ở vùng biên cương xa xôi này. Bởi nhờ có lực lượng thầy thuốc tại chỗ, nhiều ca bệnh nặng trong buôn đã được sơ cứu kịp thời trước khi chuyển lên tuyến trên. Không những thế, họ còn được các thầy thuốc hướng dẫn về vệ sinh môi trường, thực hiện vệ sinh trong ăn uống hằng ngày để phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm như: sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Ngoài giờ khám bệnh tại phòng khám, Y sĩ Trà còn đến tận nhà để thăm hỏi, khám bệnh cho người già trong buôn.
Ngoài giờ khám bệnh tại phòng khám, Y sĩ Trà còn đến tận nhà để thăm hỏi, khám bệnh cho người già trong buôn.

Y sĩ, Thượng úy Phạm Văn Trà, Phòng khám quân dân y buôn Drang Phốk cho biết: ngoài công tác chăm lo sức khỏe, tôi và đồng đội còn giúp bà con trong việc mùa màng, tuyên truyền vận động họ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền để họ gắn bó với nương rẫy, làm lúa nước, xóa dần lối sống dựa vào rừng đã hình thành từ rất nhiều năm trước. Gắn bó với bà con thời gian dài, dần dần chúng tôi cũng được họ xem như người trong gia đình, nên mọi hoạt động công tác cũng vì thế mà thuận lợi hơn…

Được biết, từ thành công của Phòng khám quân dân y kết hợp tại buôn Drang Phốk, năm 2014, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng Phòng khám Quân, dân y kết hợp tại thôn 5 xã Ia R’vê (huyện Ea Súp). Gần 3 năm qua, phòng khám đã mở ra cơ hội cho người dân thôn 5 và các thôn lân cận được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, góp phần chăm sóc sức khỏe cho bà con ngày một tốt hơn, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.