Hút thuốc lá: Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Các nghiên cứu của thế giới đã chỉ ra rằng, trong khói thuốc lá có hơn 4.000 hóa chất thì có khoảng 200 chất gây hại cho sức khỏe con người và có 40 chất gây ung thư.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định: Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư (ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư miệng, ung thư thận và bàng quang, ung thư hậu môn trực tràng, ung thư bộ phận sinh dục…). Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch lên gấp 2- 3 lần. Khói thuốc có thể gây ra loạn nhịp tim, gây tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc và tử vong do bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Thuốc lá còn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, làm bệnh hen nặng hơn, giảm khả năng sinh dục, tăng nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ hoặc gây sảy thai, sinh non, trẻ sinh thiếu cân hoặc các dị tật bẩm sinh… ở phụ nữ mang thai. Người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn những người khác, nếu là trẻ em có thể mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm tai giữa, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ…
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm thuốc lá cướp đi mạng sống của gần 6 triệu người trên thế giới, trong đó, có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 100 người tử vong do liên quan đến thuốc lá… Dự đoán, vào năm 2020, hằng năm thế giới sẽ có 8,4 triệu người chết do thuốc lá và vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên khoảng 10 triệu người, tức là nhiều hơn tổng số ca tử vong do lao, sốt rét và các bệnh lý chính của bà mẹ và trẻ em cộng lại. Riêng tại Việt Nam, nếu không có biện pháp can thiệp khẩn cấp thì ước tính số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá. |
Bác sĩ chuyên khoa I R’Ma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Mỗi năm, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tiếp nhận và điều trị khoảng 1.700 bệnh nhân mắc các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó, thường gặp nhất là một số bệnh ung thư nhưng hầu hết đều chuyển tuyến điều trị, tiếp đến là phổi tắc nghẽn mãn tính, rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, hen phế quản…. Là bệnh mãn tính nên phần lớn bệnh nhân đều điều trị trong thời gian dài, mặc dù được Bảo hiểm y tế cùng chi trả nhưng gánh nặng chi phí trong quá trình đi lại, ăn ở cũng gây không ít khó khăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”.
Để phòng tránh các hậu quả do thuốc lá gây ra, hiệu quả nhất là không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Đối với những người đang hút thuốc nên cai thuốc hoàn toàn bằng chính quyết tâm của bản thân mình, bởi cai thuốc lá ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có lợi cho sức khỏe. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu cai thuốc lá trước 35 tuổi, chức năng hô hấp có thể trở về bình thường, nếu hút thuốc lá dưới 20 năm nhưng đã bỏ thuốc được 10 năm thì nguy cơ ung thư phổi giảm xuống bằng người không hút; ngưng hút thuốc lá một năm thì nguy cơ tử vong bệnh mạch vành giảm được ½ và sẽ còn giảm nhiều nếu ngưng hút thuốc hoàn toàn.
Điều kiện kiên quyết để cai thuốc lá thành công chính là “Quyết tâm cai thuốc lá” của bản thân người hút thuốc. Ngoài ra, người hút thuốc còn có thể sử dụng thuốc hỗ trợ bao gồm Nicotin thay thế dạng viên, dạng nước giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai nghiện thuốc lá. Hoặc, người cai thuốc lá có thể thực hiện cai nghiện bằng cách giảm từ từ số lượng điếu thuốc lá hút hàng ngày trong một thời gian dài. Bác sĩ R’Ma Lương lưu ý: “Trong quá trình bỏ thuốc lá, người cai thuốc cần tránh các nguy cơ tái nghiện như: hạn chế tiếp xúc với những nơi có người hút thuốc lá, kiểm soát các cơn thèm thuốc của bản thân, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo đảm sức khỏe, kiểm soát cân nặng cơ thể”.
Ngoài những nỗ lực của người cai nghiện thuốc lá, rất cần có sự hỗ trợ của người thân và cộng đồng, sự can thiệp của các cấp, ngành. Đồng thời, cần thực hiện hiệu quả cấm hút thuốc tại nơi làm việc, nơi công cộng, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hương Xuân - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc