Phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp bệnh nhân lao khỏi hoàn toàn
Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao gây ra, bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc do có người bệnh khạc nhổ đờm ra môi trường. Bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc bệnh lao.
Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa, phát hiện sớm hoặc tuân thủ điều trị bệnh lao đúng cách thì tỷ lệ khỏi bệnh chiếm trên 90%.
Theo thống kê từ Chương trình Chống lao quốc gia, trong những năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 130.000 người bị lao; trong đó trên 90% bệnh nhân đều được chữa khỏi bệnh nhờ phát hiện bệnh sớm và tuân thủ điều trị đúng cách. Còn tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm bệnh viện phát hiện và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân lao các loại trong cộng đồng với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh hoàn toàn đạt từ 85 - 87%. Khác với những bệnh xã hội khác, toàn bộ chi phí trong quá trình phát hiện và điều trị của bệnh nhân lao đều được Nhà nước chi trả bởi sự tài trợ của Quỹ toàn cầu.
Thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk. Ảnh: X.Thi |
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, Bệnh lao có rất nhiều thể khác nhau nhưng thường gặp nhất là lao phổi (chiếm khoảng 80% trường hợp mắc lao) và số còn lại là lao ngoài phổi như: lao hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao xương khớp…. Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ điều trị đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc như: dùng đúng thuốc, dùng đủ thuốc và đúng thời gian quy định (uống thuốc vào một giờ trong buổi sáng và uống liên tục kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn nếu có sự thay đổi trong điều trị).
Đơn cử như trường hợp anh Thào Văn Lý (thôn 2B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) và chị Nguyễn Thị Tuyết Sương (tổ dân phố 8, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là hai trong số nhiều bệnh nhân lao mới đến tái khám tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh. Hầu hết các bệnh nhân này được chỉ định điều trị bệnh lao liên tục trong thời gian 6 tháng, 8 tháng hoặc 12 tháng nếu thời gian điều trị gián đoạn hoặc thay đổi thuốc điều trị. Theo kết quả tái khám, cả anh Thào Văn Lý và chị Nguyễn Thị Tuyết Sương đều có tiến triển tốt, vi khuẩn lao đã giảm hẳn nhờ tuân thủ điều trị đúng phác đồ và tuân thủ nghiêm túc quy định của bác sĩ, kết hợp tăng cường sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý. Anh Lý chia sẻ: “Thời điểm mới phát hiện bệnh lao và bắt đầu điều trị, sức khỏe của tôi sa sút, tinh thần bất an và thể lực yếu, ăn uống không ngon miệng, không làm được việc nặng, cân nặng giảm từ 53 kg xuống còn 45 kg. Tuân thủ nghiêm liệu trình điều trị 6 tháng, đến nay số cân nặng đã ổn định trở lại là 51 kg, ăn uống cũng ngon miệng hơn, ngủ sâu giấc, có thể mang vác vật trọng lượng khoảng 50 kg”.
Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ khuyến cáo, bệnh lao thường dễ lây nhiễm, nhất là đối với những người có thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Do vậy, để phòng bệnh lao, mỗi người, nhất là trẻ sơ sinh cần tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân lao nên đeo khẩu trang, không dùng chén bát chung với người bệnh trong thời gian bị bệnh. Người bệnh nên có ý thức khạc nhổ đúng nơi quy định và xử lý đờm để tránh gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng tới cộng đồng. Đồng thời, ngoài việc, nâng cao sức khỏe cho bản thân bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, lao động vừa sức và nghỉ ngơi hợp lý, mỗi người cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị lao kịp thời.
Khi phát hiện mình hoặc những người xung quanh có các triệu chứng như: ho, khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân…, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa lao để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, dùng đúng, đủ thuốc theo phác đồ điều trị của cơ sở y tế. Đặc biệt, cần được bác sĩ trực tiếp theo dõi quá trình điều trị, không được tự ý cắt bỏ thuốc điều trị, bất cứ một sự thay đổi thuốc hay ngưng thuốc đều phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Theo các bác sĩ, những bệnh nhân đã điều trị lao nếu không tăng cường sức đề kháng và thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao tái phát. Việc điều trị khi đó trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu chuyển sang lao kháng thuốc thì thời gian điều trị càng phải kéo dài hơn, khả năng khỏi bệnh hoàn toàn cũng thấp. Vì vậy, những bệnh nhân lao phổi đã điều trị khỏi cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh theo lời dặn của thầy thuốc để tránh lao tái phát. |
Hương Xuân – Đình Thi
Ý kiến bạn đọc