Ngành Y tế hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh sốt rét
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng (PCSR-KST-CT) tỉnh, số người mắc sốt rét trong những năm gần đây giảm mạnh. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận 270 trường hợp mắc sốt rét, giảm 73% so với năm 2015 và không có ca bệnh tử vong, ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) giảm 73,17%; tỷ lệ mắc sốt rét/dân số là 0,14 trường hợp/1.000 dân, giảm 73,58% so với năm 2015. Trong 3 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 27 trường hợp mắc sốt rét, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2016, không có bệnh nhân sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về cách phòng chống bệnh sốt rét. |
Để có kết quả này, thời gian qua, Trung tâm PCSR-KST-CT tỉnh luôn chủ động phối hợp với Viện SR-KST-CT Trung ương và Viện SR-KST-CT Quy Nhơn chỉ đạo, giám sát hệ thống phòng chống sốt rét tại các địa phương, không để dịch sốt rét xảy ra, giữ tình hình ổn định đối với vùng có ổ dịch cũ, vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm sốt rét; tăng cường truyền thông (cả trực tiếp và gián tiếp) đến người dân về các biện pháp phòng chống sốt rét; nâng cao chất lượng hoạt động các điểm kính hiển vi để hoạt động giám sát ngày một hiệu quả hơn. Đồng thời, chủ động các nguồn lực kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất… cấp cho các tuyến để triển khai kịp thời công tác phòng chống bệnh sốt rét.
Theo lộ trình, Đắk Lắk phấn đấu loại trừ sốt rét vào năm 2025 và tiến tới thanh toán bệnh sốt rét vào năm 2030. Cụ thể, đến năm 2018 loại trừ sốt rét tại TP. Buôn Ma Thuột; đến năm 2020 loại trừ sốt rét tại 9 huyện, thị xã (Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Hồ, Krông Búk, Lắk, Krông Bông, Ea Kar, Cư M’gar); đến năm 2021 loại trừ sốt rét tại 2 huyện Krông Năng và M’Đrắk; đến năm 2022 tiếp tục loại trừ sốt rét ở các huyện còn lại; giai đoạn từ năm 2023 đến 2025 đề phòng sốt rét quay trở lại; năm 2025 đề nghị tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét. |
Mặc dù bệnh sốt rét đã giảm sâu trong nhiều năm qua, song hiện tại, ngành Y tế tỉnh vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Bởi theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm PCSR-KST-CT tỉnh, hiện nay tình hình biến động dân cư diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống sốt rét, nhất là ở những vùng dân di cư tự do, dân giao lưu biên giới (Ea Súp, Buôn Đôn) và dân đi rừng, ngủ rẫy (Ea H’leo, Krông Năng). Bên cạnh đó, công tác giám sát, phát hiện sớm và điều trị bệnh nhân sốt rét tại tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, người dân ở nhiều nơi còn lơ là với bệnh sốt rét, phát hiện bệnh muộn, nguy cơ dẫn đến sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét cao…
Để giải quyết những khó khăn hiện hữu và tạo tiền đề vững chắc trong thực hiện lộ trình loại trừ sốt rét của tỉnh, ngành Y tế đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp về phòng chống sốt rét. Trong đó ưu tiên xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên phòng chống bệnh sốt rét; đẩy mạnh truyền thông để người dân, nhất là những người sống ở vùng có nguy cơ cao nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về phòng chống bệnh sốt rét; cung cấp miễn phí màn tẩm hóa chất diệt muỗi cho dân sống trong vùng có bệnh sốt rét lưu hành nặng và vừa. Cùng với đó, ngành cũng sẽ tăng cường các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học vào hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc