Multimedia Đọc Báo in

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại huyện Lắk

13:21, 17/07/2017

Thời gian gần đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh trên địa bàn huyện Lắk.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, tính đến thời điểm hiện tại địa phương ghi nhận 97 ca mắc sốt xuất huyết tại các xã: Yang Tao, Bông Krang, Đắk Liêng, BuônTría, Buôn Triết, Đắk Phơi, Krông Nô, Ea R’bin và thị trấn Liên Sơn.

Trước đó, ngày 28 – 4 – 2017, huyện ghi nhận trường hợp mắc SXH đầu tiên là bé gái Đỗ Thanh Hà (SN 2011, trú tại buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao); tiếp đó, Trạm Y tế xã Yang Tao tiếp tục phát hiện 5 ca bệnh đều trú cùng buôn với bé Hà. Qua xét nghiệm có 3/5 ca dương tính với virus SXH Dengue. Ngày 10 – 5, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế xã Yang Tao tiến hành điều tra véc tơ 30 hộ khu vực quanh nhà các bệnh nhân, phát hiện sự tồn tại của véc tơ với các chỉ số BI 20%, với mật độ muỗi 0.53 con/nhà.

Ngay sau khi phát hiện dịch SXH trong tháng 5 và tháng 6, các xã, thị trấn và ngành chức năng huyện đã tổ chức 3 đợt xử lý ổ dịch tại buôn Dơng Bắk, tiến hành phun 22 lít hóa chất Han – Pec 50 EC tại khu vực nhà ở, chuồng trại của hơn 250 hộ dân, trên diện tích 184 ha. Tuy nhiên, dịch vẫn chưa được kiểm soát, số lượng người mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng cao. Hiện, xã Yang Tao đã ghi nhận 68 trường hợp bị SXH, riêng buôn Dơng Bắk có 44 trường hợp, buôn Biăp 12 trường hợp. Ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng Trạm Y tế xã Yang Tao cho hay, biện pháp phun sương hóa chất chỉ diệt được muỗi trưởng thành, còn lăng quăng (bọ gậy) vẫn phát triển bình thường. Do đó, biện pháp trước mắt, chính quyền địa phương và Trạm phát động toàn thể nhân dân trong xã chú trọng xử lý vệ sinh môi trường, phát quang đường làng ngõ xóm; dụng cụ chứa nước sinh hoạt của người dân.

Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Yang Tao (huyện Lắk).
Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Yang Tao (huyện Lắk).

Bác sĩ Trần Minh Hùng, Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết, SXH thường có các biểu hiện như sốt cao liên tục 2 đến 7 ngày, đau đầu, nhức 2 hốc mắt, nhức các khớp xương, nặng hơn là chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da. SXH không có thuốc đặc trị, hiện chỉ điều trị theo các chứng biểu hiện của bệnh. Đối với phụ nữ có thai 3 tháng đầu sống trong vùng có dịch, nếu có các biểu hiện trên phải đến các cơ sở y tế khám và điều trị nội trú để theo dõi diễn biến sức khỏe của mẹ và thai nhi, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Bệnh SXH có 2 nguyên nhân chủ yếu: do virus Dengue gây ra, với 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, người sống trong vùng lưu hành dịch SXH Dengue có thể mắc bệnh SXH nhiều hơn một lần trong đời; thứ 2, do muỗi vằn Aedes hút máu người bệnh lây sang người lành. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh SXH lây lan mạnh trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức rõ về bệnh SXH nên còn chủ quan, lơ là trong việc phòng bệnh, diệt bọ gậy, phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh. Tìm hiểu thực tế tại buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao) cho thấy, hầu như các hộ trong buôn đều có xe cày nên số lượng lốp xe thải loại ở mỗi gia đình thường vứt bỏ lăn lóc nên mùa mưa hay đọng nước, là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản lan truyền bệnh…

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ sở y tế tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết cách phòng tránh bệnh lây lan. Trong đó, giải pháp trọng tâm để kiểm soát sự phát triển của muỗi Aedes là giảm thiểu các khu vực có nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước mưa (lốp xe cũ, chén bát cũ…), nuôi các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng muỗi…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.