Mở rộng đối tượng được điều trị bằng Methadone để cai nghiện
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được xem là một trong những phương pháp điều trị cai nghiện hiệu quả, làm giảm tội phạm, giảm sự lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong nhóm nghiện chích ma túy và từ nhóm nghiện chích ma túy ra cộng đồng.
Tại Đắk Lắk, chương trình điều trị Methadone được triển khai từ tháng 12-2015. Đến nay, chương trình đã điều trị cho 307 người nghiện trên địa bàn, đạt 76,7% so với chỉ tiêu được giao; trong đó, có 249 người nghiện được duy trì điều trị (đạt 81,1%). Bệnh nhân đến tham gia điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có độ tuổi trẻ nhất là 19 (sinh năm 1998), lớn nhất là 61 (sinh năm 1956). Khi đến với cơ sở điều trị Methadone, các bệnh nhân đều được tư vấn, hỗ trợ bởi các nhân viên y tế và được tạo mọi điều kiện tốt nhất để điều trị hiệu quả; nhờ vậy, sau thời gian điều trị ai cũng phấn khởi, tâm trạng thoải mái.
Bệnh nhân đến uống Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đắk Lắk. |
Để công tác quản lý và điều trị bệnh nhân đạt hiệu quả cao, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS mở cửa cho bệnh nhân đến uống thuốc từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày; định kỳ hằng tuần bộ phận tư vấn tổ chức họp người nhà bệnh nhân, kịp thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, đồng thời động viên tinh thần, giúp bệnh nhân thực hiện tốt việc tuân thủ điều trị. Một số bệnh nhân vì nhiều lý do đi làm ăn xa, công việc đột xuất đến địa phương khác, Trung tâm đã tạo điều kiện viết phiếu chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị Methadone nơi bệnh nhân đến để tránh tình trạng bỏ liều. Đối với những bệnh nhân có các bệnh kèm theo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không thể đến cơ sở điều trị uống thuốc, cơ sở sẽ phối hợp với bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân trong việc uống thuốc hằng ngày, nhân viên của cơ sở Methadone mang thuốc đến giao cho điều dưỡng của khoa phòng nơi bệnh nhân điều trị và bệnh nhân uống thuốc dưới sự giám sát của điều dưỡng bệnh viện.
Nếu như trước đây, đối tượng được xét chọn tham gia chương trình phải là những người tuổi từ 18 trở lên, nghiện các chất dạng thuốc phiện từ 3 năm trở lên và đã qua các biện pháp cai nghiện không thành công, thì hiện nay đối tượng đã được mở rộng hơn theo quy định tại Nghị định 96/2012/NĐ-CP ngày 15-11-2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và Thông tư số 12/2013/TT - BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng của chương trình chỉ cần được chẩn đoán nghiện các chất dạng thuốc phiện, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Đắk Lắk; là người không có chống chỉ định dùng Methadone, tự nguyện tham gia điều trị và cam kết tuân thủ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Những trường hợp chưa đủ 16 tuổi, phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Nhờ được tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận với chương trình điều trị Methadone nên hiện nay số đối tượng nghiện chích tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để được điều trị ngày càng đông.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc