Multimedia Đọc Báo in

Trạm Y tế phường Tân An phát triển vườn cây thuốc nam

10:53, 18/07/2017

Vườn cây thuốc nam mẫu tại Trạm Y tế phường Tân An được xem là một trong những vườn thuốc tiêu biểu của TP. Buôn Ma Thuột, không chỉ bởi sự phong phú, đa dạng mà còn tạo hiệu quả trong việc hướng dẫn người dân sử dụng để chữa bệnh, góp phần gìn giữ những bài thuốc cổ truyền quý của dân tộc.

Thường xuyên đến khám bệnh tại Trạm Y tế phường Tân An, bà Lý Thị Hải ở tổ dân phố 7 của phường chia sẻ: Trước đây tôi chưa từng dùng các loại cây thuốc nam để chữa bệnh vì không biết tác dụng và cách sử dụng như thế nào. Gần đây, mỗi khi đến trạm y tế khám bệnh, tôi được nhân viên của trạm giới thiệu về công dụng của từng loại cây thuốc, chẳng hạn dùng cây rẻ quạt đun nước uống để chữa ho, nấu nước lá mã đề uống chữa bí tiểu…Tôi đã dùng thử thấy hiệu quả nên xin giống các loại cây thuốc này về trồng trong vườn nhà để tiện dùng mỗi khi có người đau ốm. Còn chị Trần Thị Kim Phượng ở tổ dân phố 6 cho hay: Được cán bộ trạm y tế phường cho cây giống và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, hiện vườn nhà tôi có trên 20 cây thuốc thông dụng. Bởi vậy, hai năm nay, nhà tôi toàn uống nước sắc từ các lá cây thuốc nam tại vườn mỗi khi ho, cảm, sốt.

Vườn thuốc nam mẫu của Trạm Y tế phường Tân An chỉ rộng khoảng 80 m2, song có đến hơn 60 loại cây thuốc nam khác nhau thuộc 9 nhóm thuốc được Bộ Y tế quy định sử dụng trong chữa các bệnh thường gặp như: cảm cúm, ho, sổ mũi, đau bụng, đau lưng, thương hàn… Mỗi nhóm cây thuốc đều có bảng ghi rõ tên, công dụng chữa các bệnh để người dân dễ quan sát.

Chăm sóc vườn thuốc nam mẫu
Cán bộ Trạm Y tế phường Tân An chăm sóc vườn thuốc nam mẫu. 

Bác sĩ Lê Thị Xuân Hạnh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân An cho biết: Để vườn thuốc nam phát triển, phát huy tốt tác dụng trong việc hướng dẫn người dân dùng làm thuốc chữa bệnh, thời gian qua trạm đã chú trọng gây dựng vườn thuốc mẫu và phân công nhân viên thay phiên chăm sóc, tưới tắm, bón phân, đồng thời sưu tầm thêm nhiều loại cây thuốc dùng chữa các bệnh khác nhau đưa về trồng bổ sung để vườn thuốc ngày càng phong phú về chủng loại. Ngoài ra, thông qua hoạt động khám chữa bệnh hàng ngày, các y bác sĩ của trạm thường xuyên hướng dẫn cho người dân biết tác dụng từng loại cây trong phòng bệnh và chữa bệnh, trên cơ sở đó vận động bà con nhân giống trồng tại nhà. Nhờ vậy, đến nay khá nhiều gia đình trên địa bàn phường đã trồng và sử dụng thuốc nam ngay tại nhà.

Theo anh Nguyễn Văn Bình, phụ trách công tác khám chữa bệnh bằng đông y, Trạm Y tế phường Tân An, so với việc chữa các bệnh thông thường bằng thuốc tây thì chữa bệnh bằng các bài thuốc nam ít tác dụng phụ, nguồn thuốc dễ tìm, dễ sử dụng, lại ít tốn kém về kinh tế, tránh được hiện tượng “nhờn thuốc” như trong tây y, đặc biệt rất thích hợp cho việc chữa trị bệnh mạn tính cho người già và trẻ nhỏ.

Có thể thấy, việc sử dụng hiệu quả vườn cây thuốc nam mẫu ở Trạm Y tế phường Tân An không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nói chung, khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền nói riêng, mà còn góp phần phát huy hiệu quả các bài thuốc dân gian, bảo tồn các giống cây thuốc quý.

Kim Oanh – Mỹ Hạnh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.