Multimedia Đọc Báo in

Hộ lý – y công với những công việc lặng thầm

09:24, 04/08/2017

Dù không trực tiếp khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng với các công việc âm thầm, không tên từ quét dọn, thay drap, dọn giường, thu gom rác đến việc vệ sinh cho bệnh nhân…, đội ngũ hộ lý – y công Bệnh viện Đa khoa tỉnh góp phần tích cực chăm lo sức khỏe cho người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 114 cán bộ hộ lý – y công làm việc tại 37 phòng, khoa. Do số lượng bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải, công việc của đội ngũ hộ lý – y công vô cùng vất vả. Tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện, các nữ cán bộ hộ lý – y công phải làm việc liên tục, không có phút nào ngơi nghỉ. Các chị xoay quanh đủ mọi việc: vệ sinh cho người bệnh, đưa bệnh nhân đi chụp phim, xét nghiệm… rồi đến vệ sinh xung quanh khu vực phòng bệnh.

Với khối lượng công việc nhiều như thế, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, hằng ngày các cán bộ hộ lý – y công phải đến nơi làm việc trước 6 giờ sáng, bắt đầu thay drap giường, vệ sinh sạch sẽ khoa, thu gom chất thải… và cứ tất bật như thế đến hết ca làm việc. Hộ lý Lê Thị Thúy Nga có thâm niên 15 năm gắn bó với nghề, tâm sự: “Quần quật lau dọn sàn nhà, vật dụng, thu gom rác, lau chùi máu, bãi nôn của bệnh nhân và hàng trăm việc không tên khác chính là công việc hằng ngày của chúng tôi. Quá trình làm việc, chúng tôi cũng gặp nhiều áp lực từ bệnh nhân và người nhà của họ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc với mong muốn góp phần tạo một môi trường xanh - sạch - đẹp cho Bệnh viện cũng như góp phần mang lại không gian sạch sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục”. Còn với chị Lương Thị Tâm (Khoa Chấn thương chỉnh hình), tạo môi trường sạch sẽ, giúp chăm sóc để bệnh nhân chóng hồi phục chính là niềm vui trong công việc.

Hộ lý – y công chăm sóc bệnh nhân.
Hộ lý – y công chăm sóc bệnh nhân.

Dù công việc vất vả nhưng hộ lý – y công là những người ít được mọi người biết đến. Thạc sĩ Nguyễn Thế Vinh, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đối với bệnh viện, đội ngũ hộ lý – y công đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra và giữ gìn không gian thoáng mát, sạch sẽ nhất cho người bệnh. Không chỉ làm các công việc dọn dẹp, gom rác, lau dọn, hộ lý – y công còn tham gia đầy đủ các quá trình chăm sóc người bệnh như: Gội đầu, lau rửa chân tay cho bệnh nhân…

Ngoài đặc thù công việc vất vả, làm việc trong môi trường độc hại, họ còn phải chịu nhiều áp lực từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, thậm chí đôi khi còn bị coi thường. Do đó, nhằm động viên, khích lệ tinh thần của đội ngũ cán bộ hộ lý – y công, Bệnh viện thường xuyên tổ chức các cuộc thi hộ lý – y công giỏi, khen thưởng đột xuất, biểu dương, có phần thưởng cho những gương điển hình để ghi nhận những đóng góp của cán bộ hộ lý – y công. Bệnh viện cũng thường xuyên nhắc nhở, ôn lại quy tắc ứng xử, thái độ làm việc đối với đội ngũ hộ lý – y công để người bệnh được phục vụ một cách tốt nhất”.

Phương Nhiên – Quang Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.