Người dân đóng vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt số ca bệnh trong hai tuần gần đây tăng gấp 7 lần so với những tuần trước đó. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bác sĩ PHẠM VĂN LÀO, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh SXH.
°Bác sĩ có thể khái quát diễn biến của dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh trong những ngày gần đây?
Từ đầu năm đến ngày 7-8, toàn tỉnh đã có 977 ca bệnh SXH. Bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột (220 ca) và các huyện Lắk (120 ca), Cư M’gar (114 ca), Buôn Đôn (96 ca), M’Đrắk (77 ca). So với cùng kỳ năm 2016, số ca bệnh giảm 62%. Tuy nhiên trong thời điểm từ cuối tháng 7 đến nay, số lượng bệnh nhân tăng vọt. Nếu như trước đây, mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 10 ca bệnh, thì ở thời điểm cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, mỗi tuần có tới hơn 70 ca bệnh. Rõ ràng bệnh SXH đã tăng rất rõ, nếu không kiểm soát tốt, khả năng bệnh sẽ còn tăng cao.
°Nguyên nhân khiến bệnh tăng mạnh trong những ngày qua là do đâu, thưa bác sĩ?
Có thể nói, nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi thời tiết khá thất thường. Thứ hai, nhận thức của người dân ở một số địa phương còn chủ quan về bệnh SXH, coi đó là bệnh thông thường không nguy hiểm, có tâm lý ỷ lại vào hoạt động giám sát dịch bệnh và phun xịt hóa chất phòng ngừa của ngành Y tế. Ngoài ra, sự phối hợp giữa ngành Y tế và các địa phương trong công tác tuyên truyền phòng chống SXH ở nhiều nơi chưa tốt, đặc biệt kỹ năng xử lý môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) còn hạn chế, công tác xử lý ổ dịch chưa triệt để.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh (bìa phải) hướng dẫn người dân huyện M’Đrắk các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. |
°Vậy bác sĩ cho biết ngành Y tế đã thực hiện các biện pháp gì để khống chế dịch bệnh?
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có kế hoạch phòng chống SXH với các phương án cụ thể theo từng tình huống và chủ động hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Hiện tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, ngành Y tế vẫn hết sức chú trọng, theo dõi và tập trung cho công tác dự phòng: tăng cường thanh tra, giám sát tất cả các ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao, có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, thường xuyên điều tra chỉ số côn trùng, lăng quăng; chủ động tập huấn, tập huấn lại kiến thức về phòng chống SXH cho cán bộ y tế các tuyến từ tỉnh, huyện đến xã; tăng cường truyền thông nâng cao ý thức của người dân về phòng chống SXH. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng thu dung, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.
°Theo bác sĩ, người dân cần làm gì để giảm nguy cơ mắc SXH?
Trên thực tế, để phòng chống dịch bệnh SXH hiệu quả, không thể chỉ riêng ngành Y tế, hay hệ thống chính trị làm được, mà người dân vẫn đóng vai trò quan trọng. Bởi, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi, loại bỏ lăng quăng (bọ gậy), giúp làm giảm số lượng muỗi trưởng thành và giảm sự lây truyền bệnh. Như vậy, người dân phải xử lý môi trường hằng tuần, các dụng cụ chứa nước mưa hoặc chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín hoặc loại bỏ đúng cách. Đối với những thùng chứa nước cần thiết không bỏ được thì phải thường xuyên thay rửa kỹ (để loại trừ trứng muỗi).
Ngoài ra, muỗi truyền bệnh SXH thường đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào thời điểm sáng sớm và chiều tối. Do đó, để tránh nguy cơ mắc SXH, người dân cần tự bảo vệ mình không để muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay hoặc dùng kem xua muỗi, ngủ màn… Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh như sốt cao đột ngột, đau đầu, người mệt mỏi…, cần đến ngay sơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Trong trường hợp mắc bệnh, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh càng nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không xử lý kịp thời.
°Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc