Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Tiện lợi, giá cả phải chăng, tiết kiệm được thời gian nên thức ăn đường phố hiện rất phổ biến với người dân đô thị. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi thì loại thức ăn này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có mặt bằng hạn chế, phần lớn dùng nhà ở để kinh doanh hoặc thuê mặt bằng tại những vị trí tạm thời, không ổn định, chủ yếu ở những nơi đông người qua lại, dễ ô nhiễm môi trường như: các đầu mối giao thông, chợ, trường học, bệnh viện… Bên cạnh đó, ở các hàng bán thức ăn đường phố, vẫn phổ biến tình trạng thức ăn sống, chín để lẫn lộn, sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, vệ sinh bàn tay không bảo đảm… Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng phát triển, dễ gây ô nhiễm thức ăn, ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.
Theo thống kê của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm (tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột) với 65 người mắc, không có trường hợp tử vong. Nguyên nhân của các vụ ngộ độc là do vi sinh vật và do thực phẩm biến chất. Cũng theo thống kê của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, 35% - 40% bệnh ung thư có nguyên nhân từ việc dùng thực phẩm hoặc đồ uống không an toàn.
Một khảo sát gần đây nhất của Bộ Y tế cho biết có gần 80% bàn tay người bán hàng trên vỉa hè bị nhiễm khuẩn Ecoli. |
Bên cạnh đó, các loại nước uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng các loại hóa chất, đường hóa học, phẩm màu độc hại… đang là mối lo ngại lớn của người tiêu dùng. Đây chính là mầm mống của căn bệnh ung thư nếu người dân sử dụng lâu dài.
Theo bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, hầu hết thức ăn đường phố đều bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn bởi chúng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu, phụ gia phẩm màu không được kiểm soát; không có quy trình, quy chuẩn chế biến, dụng cụ phương tiện sản xuất không bảo đảm; bày bán trong điều kiện môi trường ô nhiễm. Vi sinh, vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường ruột, đường tiêu hóa. Ngoài ra, thức ăn đường phố thường sử dụng công thức "hương - mùi - màu" để tạo ra sản phẩm. Việc dùng phẩm màu, hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm là nguy cơ gây ra nhiều bệnh mạn tính, nhất là bệnh ung thư.
Việc sử dụng thức ăn đường phố là thói quen, nhu cầu của nhiều người. Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo đảm các loại thức ăn này an toàn, hợp vệ sinh thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, trong đó ngành Y tế là lực lượng nòng cốt để tham mưu, tổ chức triển khai, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố một cách thường xuyên, kịp thời; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc chọn lựa thức ăn, thực phẩm an toàn.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc