Vẫn tràn lan tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng
Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã cấm hút thuốc nơi công cộng nhưng tình trạng hút thuốc nơi đông người vẫn diễn ra tràn lan…
Theo khoản 1 điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ, các hành vi như: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá… sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định chặt chẽ khu vực, cơ chế xử phạt, cơ quan chịu trách nhiệm xử phạt đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng. Tuy nhiên, những chế tài này dường như chưa đủ sức răn đe, chưa mang lại hiệu quả tích cực.
Tại các nhà hàng, khu thương mại dịch vụ, thậm chí cả trong các cơ sở y tế, khu vui chơi giải trí của trẻ em..., vẫn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đang phì phèo khói thuốc. Tuy nhiên, người quản lý các cơ sở cũng chỉ có thể nhắc nhở, “nặng” lắm mời những người hút thuốc không đúng chỗ ra chỗ khác chứ việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng khó thực hiện bởi việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người hút không cố định thời gian.
Một số địa điểm như: trường học, các khu vui chơi, bệnh viện dù đã có biển cấm hút thuốc lá nhưng tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra công khai. |
Tại các bệnh viện, ở một số vị trí như hành lang và khuôn viên bệnh viện, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc. Khi bị nhân viên bảo vệ nhắc nhở, có người dụi điếu thuốc rồi đi nơi khác hút tiếp. Bên cạnh một số người thiếu kiến thức, không hiểu biết thì không ít người thiếu ý thức, dù biết có quy định cấm hút thuốc nhưng vẫn bất chấp, tiếp tục hút thuốc lá cả những nơi có biển cấm.
Dù đã có biển cấm nhưng người thanh niên này (X) vẫn vô tư hút thuốc trong khu vực Bến xe huyện Krông Bông. |
Tình trạng hút thuốc lá tràn lan nơi công cộng không chỉ làm những người xung quanh khó chịu mà còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác. Chị Đỗ Thị Nhung (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, chị thường cho con đến các khu vui chơi của trẻ em trên địa bàn thành phố vào dịp cuối tuần và rất khó chịu khi thấy nhiều người, trong đó có cả phụ huynh của các cháu, thản nhiên hút thuốc trong khi xung quanh có nhiều trẻ em.
Theo các chuyên gia, khí thải khói thuốc lá góp thêm hàng nghìn tấn chất gây ung thư, chất độc và khí nhà kính của con người vào môi trường. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Người hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy… Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Thiết nghĩ, để xây dựng môi trường không khói thuốc, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, các cơ quan chức năng cần nhắc nhở, xử phạt nghiêm đối với các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Những người phải chịu hít khói thuốc theo kiểu thụ động cũng cần lên tiếng, đấu tranh với các hành vi hút thuốc lá không đúng nơi, đúng chỗ để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Bích Lệ - Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc