Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống sốt rét ở huyện Buôn Đôn: Khó giám sát dân đi rừng, ngủ rẫy

10:17, 08/12/2017

Thời gian gần đây, số người mắc sốt rét trên địa bàn huyện Buôn Đôn đang gia tăng, song công tác phòng sốt rét tại đây đang gặp nhiều khó khăn do thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Mặc dù không đi rừng, ngủ rẫy với cha mẹ, cũng chẳng đi đâu xa, nhưng mới đây, cậu con trai 3 tuổi của chị H'Nêra H'Mok ở buôn Drang Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn lại mắc bệnh sốt rét. Qua tìm hiểu của ngành y tế địa phương, nguyên nhân khiến cháu bé mắc bệnh sốt rét là do thường xuyên ngủ không nằm màn nên bị muỗi đốt. Theo chị H'Nêra thì trước đây nhà chị không có thói quen ngủ màn, ai tiện đâu thì ngủ đó chẳng kể giường hay sàn nhà, có lúc mắc màn, có lúc không. Từ hôm con bị bệnh sốt rét đến nay, cả nhà mới làm theo lời bác sĩ là ngủ phải nằm màn để phòng ngừa muỗi đốt ...

Cán bộ y tế lắp đặt thiết bị bắt muỗi để lấy mẫu phân tích tại một hộ gia đình  ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Cán bộ y tế lắp đặt thiết bị bắt muỗi để lấy mẫu phân tích tại một hộ gia đình ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Trường hợp nêu trên đây bắt nguồn từ sự chủ quan của người dân, cùng với thói quen ngủ không nằm màn. Đây là nguyên nhân chính khiến cho số ca bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Buôn Đôn đang gia tăng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận khoảng 100 ca bệnh sốt rét, chiếm 30% số ca mắc toàn tỉnh, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn đã tiếp nhận, điều trị khoảng 80 trường hợp. Đa số bệnh nhân đều là nam, thường đi làm rẫy xa nhà và ở lại dài ngày để tiện cho việc sản xuất. Tuy nhiên, khi mắc bệnh, hầu hết đều chủ quan, tự ý mua thuốc uống và điều trị tại nhà khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Đơn cử như trường hợp của anh Y M’Rơng Êban, ở xã Ea Wer, khi mới bị bệnh không chịu đi khám. Mãi đến khi bệnh trở nên trầm trọng, sức khỏe giảm sút mới tìm đến bệnh viện. Anh Y M’Rơng cho biết: “Khi thấy đau đầu, chóng mặt tôi nghĩ mình bị trúng gió nên chỉ về nhà nằm nghỉ. Những ngày sau khi trong người lên cơn sốt, kèm theo rét run, không chịu nổi tôi đến bệnh viện khám mới biết bị sốt rét”.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn phun hóa chất diệt muỗi tại một địa bàn trọng điểm về sốt rét.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn phun hóa chất diệt muỗi tại một địa bàn trọng điểm về sốt rét.

Từ đầu năm đến tháng 11, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 230 trường hợp mắc bệnh sốt rét, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở huyện Buôn Đôn. 

Ngay từ đầu năm, ngành Y tế huyện Buôn Đôn đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh sốt  rét; cấp 350 võng màn cho đối tượng dân đi rừng, ngủ rẫy; tổ chức chiến dịch tẩm màn phòng chống sốt rét tại 3 xã  Krông Na, Ea Huar, Ea Wer; triển khai phun hóa chất phòng chống sốt rét tại một số thôn, buôn có nguy cơ mắc sốt rét cao trên địa bàn huyện. Đồng thời, mở các đợt điều tra véc tơ truyền bệnh sốt rét tại cộng đồng và nơi ở của các nhóm dân di biến động để đánh giá diễn biến của bệnh sốt rét và có biện pháp xử lý kịp thời…

Tuy nhiên, điều kiện sống của người dân ở một số địa bàn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và người di cư tự do từ các nơi khác đến. Hơn nữa nhiều hộ dân còn sinh sống trong rừng, có thói quen ở lại nương rẫy cả tuần mới về nhà một lần, trong khi đó điều kiện ăn, ở, sinh hoạt không bảo đảm, không ít người vẫn có thói quen sử dụng nước sông, suối trong sinh hoạt, ngủ không mắc màn… gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống sốt rét.

Theo y sĩ Y Bun Toản Niê, Cán bộ Trung tâm y tế huyện Buôn Đôn, ngoài khó khăn về tập quán, thói quen của người dân khó thay đổi trong một sớm một chiều, thì việc gặp được đối tượng dân đi rừng, ngủ rẫy để tuyên truyền về phòng chống sốt rét cũng là khó khăn không nhỏ. Bởi, cán bộ y tế rất khó xác định được thời điểm người dân trở về nhà, thậm chí một số trường hợp đang mắc bệnh vẫn đi làm trên nương rẫy. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc giám sát, tầm soát các trường hợp mắc bệnh…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.