Multimedia Đọc Báo in

Để thuốc tẩy giun đạt kết quả tốt khi sử dụng

06:00, 28/01/2018

Giun ký sinh ở người có nhiều loại như giun đũa, giun kim, giun móc, giun lươn, giun tóc, giun chỉ. Nhiễm giun kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi…

Nguyên nhân nhiễm giun là do ăn phải rau sống, thức ăn chưa nấu chín kỹ, thức ăn không bảo quản tốt có lẫn trứng chứa phôi của giun. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất cát, người hay có thói quen đi chân đất cũng dễ bị nhiễm giun móc... Tỷ lệ nhiễm giun ở nước ta khá cao, ở miền Bắc có nơi tỷ lệ nhiễm đến 86 - 98%, trung bình là 70 - 85%; miền Nam khoảng 18-35%.

Thuốc tẩy giun là thuốc có tác dụng tẩy sạch hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi đường tiêu hóa hoặc ra khỏi mô, cơ quan nào đó của cơ thể. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc tẩy giun, trong đó 3 nhóm thuốc được khuyên dùng do có độc tính thấp, điều trị giun trên phổ rộng, ít gây tác dụng phụ và hạn chế tái nhiễm tối đa là nhóm Mebendazol, nhóm Albendazol và nhóm Pyrantel pamoat.

Thực tế cho thấy thuốc tẩy giun rất dễ mua. Một số thuốc có tác dụng cùng lúc với nhiều loại giun khác nhau nên khi nghi ngờ cơ thể nhiễm một loại giun sán nào đó, nhiều người đã tự ý mua thuốc về uống; thậm chí khi nghi ngờ mắc giun sán, nhiều người còn tẩy giun bằng các bài thuốc nam. Như trường hợp chị Thái Thị Nhung (huyện Cư Jút, Đắk Nông) gần đây thường nổi những vết sần, mụn ngứa trên cơ thể. Một số người thân quen đoán chị bị nhiễm giun chó và khuyên chị đến cắt thuốc nam tại thầy lang gần nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian uống thuốc, những biểu hiện sần ngứa trên cơ thể chị Nhung vẫn không hết mà ngày càng có nguy cơ tăng lên.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tâm, Trưởng khoa Xét nghiệm – Ký sinh trùng (Trung tâm phòng, chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Đắk Lắk) cho biết, nếu nghi ngờ cơ thể mắc bệnh giun sán, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa làm các xét nghiệm để được bác sĩ chẩn đoán. Khi bị nhiễm giun sán, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, trong thời gian điều trị phải trở lại cơ sở tái khám ngay nếu thấy có biểu hiện gì khác thường. Thuốc phải dùng đúng liều lượng, đủ thời gian và có khi lặp lại đợt khác để tránh tái nhiễm. Việc uống thuốc tẩy giun không phải phụ thuộc vào thời gian, có thể dùng thuốc bất kỳ thời điểm nào, tốt nhất là nên uống thuốc tẩy giun sau khi đã ăn no”.

Theo bác sĩ Tâm, trẻ em trên 2 tuổi và người lớn nên uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa. Nếu có chẩn đoán chính xác bị nhiễm giun, trẻ sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều trị. Phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng nên tẩy giun trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Nên lưu ý, thuốc tẩy giun không dùng cho phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ và trẻ dưới 2 tuổi. Việc uống thuốc tẩy giun định kỳ được bác sĩ Tâm lưu ý: “Không uống thuốc khi cơ thể đang đói. Không uống thuốc khi cơ thể đang sốt hoặc mắc bệnh mạn tính, chỉ nên uống thuốc tẩy giun khi cơ thể khỏe mạnh bình thường”.

Để phòng nhiễm giun sán, cần vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, uống nước đã đun sôi, không ăn thịt cá sống, không dùng phân tươi mà phải ủ phân thật kỹ để bón rau, không đi tiêu bừa bãi, xây nhà tiêu đúng tiêu chuẩn vệ sinh... 

        Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc