Multimedia Đọc Báo in

Bà đỡ "mát tay" của buôn làng

09:04, 27/02/2018

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sản-Nhi, Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk (nay là Cao đẳng Y tế Đắk Lắk), y sĩ H’Mai Hmốk (trú buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) được phân công về Trạm Y tế xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) công tác.

Vào thời điểm ấy, đời sống của hầu hết người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng còn rất khó khăn. Khi ốm đau, bệnh tật bà con thường nhờ thầy cúng đuổi “con bệnh”; phụ nữ khi đến ngày sinh nở thì nhờ “mụ vườn” đỡ đẻ, cắt rốn… dẫn đến hậu quả là nhiều trường hợp tai biến, băng huyết, trẻ sinh ra bị tử vong.

Là người dân tộc thiểu số tại chỗ, hơn ai hết chị H’Mai hiểu được những tập quán lạc hậu của dân tộc mình. Chính vì vậy, với những kiến thức đã học được, hằng ngày chị không quản ngại nắng mưa, đêm tối, hay đường sá xa xôi vẫn kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân từ bỏ hủ tục để được tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản; phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trong xã, nhất là già làng, người có uy tín tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình, đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, khám thai định kỳ và sinh đẻ…

Y sĩ H’Mai Hmốk đang tư vấn về biện pháp kế hoạch hóa gia đình cho chị H’Riêng Knul (buôn Ea Kiết, xã Ea Bhốk).
Y sĩ H’Mai Hmốk đang tư vấn về biện pháp kế hoạch hóa gia đình cho chị H’Riêng Knul (buôn Ea Kiết, xã Ea Bhốk).

Với những cách tuyên truyền, vận động thiết thực của H'Mai cùng với hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh, đỡ đẻ tại Trạm Y tế xã, dần dà người dân trong xã đã thay đổi nhận thức về phòng, chống dịch bệnh, các bệnh nguy hiểm dần được đẩy lùi. Từ năm 2002, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi trong xã được tiêm chủng đủ liều đạt 80% trở lên; phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế đạt 100%...

Y sĩ H’Mai Hmốk đang chăm sóc sức khỏe cho một sản phụ.
Y sĩ H’Mai Hmốk đang chăm sóc sức khỏe cho một sản phụ.

Năm 2005, chị H’Mai được tín nhiệm phân công làm Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ea Hu. Từ năm 2011 đến nay, chị được luân chuyển sang Trạm Y tế xã Dray Bhăng. Quá trình nhiều năm làm bà đỡ ở địa phương, mỗi tháng bình quân chị đỡ đẻ từ 10-12 ca, kể cả tại Trạm Y tế xã và tại nhà dân, chị H’Mai luôn tự hào rằng mình chưa bao giờ thất bại trong chuyên môn. Chị cho biết, kỷ niệm trong nghề thì nhiều, nhưng gần đây nhất là vào sáng 23-12-2017, khi chuẩn bị đi làm thì nhận được cuộc điện thoại của một người dân ở buôn Dray Ning (xã Dray Bhăng) thông báo vợ anh trở dạ, không kịp đến cơ sở y tế nên đã sinh tại nhà, bị băng huyết. Với kinh nghiệm chuyên môn, chị yêu cầu gia đình lấy khăn mềm quấn giữ ấm cho cháu bé rồi tức tốc đến nhà sản phụ này để kịp thời cầm máu cứu sản phụ, đồng thời lấy nhau, cắt rốn, vệ sinh cho cháu bé.

Nhiều năm nay, người dân các xã Ea Hu, Ea Bhốk, Dray Bhăng luôn trìu mến gọi chị H’Mai là bà đỡ “mát tay” của buôn làng và tin tưởng tìm đến chị để nhờ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.