Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk coi trọng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ y tế của tỉnh, những năm qua, Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk (tiền thân là Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk) luôn coi trọng chất lượng đào tạo cả về lý thuyết và thực hành để tạo ra đội ngũ cán bộ y tế "vừa hồng vừa chuyên”.
Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk hiện có 111 giảng viên, trong đó 45% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Thạc sĩ Huỳnh Quốc Xi, chuyên viên Phòng Đào tạo của nhà trường cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, các giảng viên của trường đã nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ và cập nhật, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy. Các giờ học lý thuyết trên giảng đường hầu hết đều áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên tự nghiên cứu kiến thức trước khi lên lớp, tham gia thảo luận nhóm, thuyết trình, sau đó, giảng viên sẽ giải đáp các thắc mắc của sinh viên trong quá trình học tập. Ngoài những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà trường đã được UBND tỉnh quan tâm, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị thực hành hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo như: mô hình cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn điện tử, mô hình đỡ đẻ tự động, máy chiếu mô hình 3D…
Giờ học thực hành trên mô hình tại Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk. Ảnh: Đ. Thi |
Hiện tại, với 700 sinh viên theo học hệ cao đẳng ở 3 chuyên ngành Điều dưỡng, Hộ sinh và Dược, Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk luôn chú trọng thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành”. Vì vậy, các sinh viên được trang bị song song cả kiến thức lý luyết lẫn kỹ năng thực hành. Thời gian thực hành của sinh viên chiếm hơn 60% tổng thời gian đào tạo. Ngoài những giờ học trên giảng đường, sinh viên còn được đi thực tập tại các cơ sở y tế để có cơ hội làm quen với nghề nghiệp, đồng thời rèn luyện, trau dồi kỹ năng thực hành tư vấn, chăm sóc, điều trị, cấp cứu cho người bệnh, bảo đảm yêu cầu chuẩn đầu ra của sinh viên sau tốt nghiệp. Sinh viên Hoàng Phi Yến Nhi, lớp Điều dưỡng K1B chia sẻ: “Với phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm của các giảng viên đã rèn luyện cho em tính chủ động, sáng tạo trong quá trình tích lũy kiến thức. Còn việc đi thực tập tại các cơ sở y tế không những giúp em nâng cao kỹ năng thực hành mà còn hun đúc cho em tình yêu nghề và nhiệt huyết trong công việc”.
Cùng với hoạt động đào tạo chuyên môn, Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk còn chú trọng công tác giáo dục y đức cho sinh viên thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, định hướng tư tưởng. Nhờ vậy, nhiều thế hệ sinh viên ra trường đã được các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh tiếp nhận và đánh giá cao.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song với những yêu cầu đặt ra, nhà trường vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như việc hoàn thiện số lượng và chất lượng giảng viên để đào tạo thêm các chuyên ngành mới, chính sách thu hút sinh viên. Đặc biệt là thách thức trong hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu người sử dụng lao động. Ông Dương Chí Úy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk cho biết, hiện nhà trường đang hợp tác với hai tập đoàn chuyên tư vấn cho sinh viên đi du học, lao động ngoài nước, tạo điều kiện cho các em được tiệm cận với trình độ và nhu cầu lao động quốc tế để có cơ hội học tập, việc làm tốt hơn trong tương lai.
Hướng tới mục tiêu xây dựng và khẳng định thương hiệu là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y, dược có kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ tốt, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2018, nhà trường sẽ đào tạo thêm 2 chuyên ngành mới là xét nghiệm, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, đồng thời mở các lớp đào tạo tiếng Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu sinh viên đi du học, lao động ở 3 quốc gia này. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện đội ngũ giảng viên cả về chất lượng lẫn số lượng, đạt trình độ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí trường chất lượng cao, nghề trọng điểm chuẩn quốc gia vào năm 2020, tiến tới trường tiếp cận trình độ các nước khu vực ASEAN và các nước phát triển thuộc nhóm G20.
Kim Huế
Ý kiến bạn đọc