Bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa
Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Người mắc bệnh thủy đậu nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ để lại di chứng, đôi khi tử vong do biến chứng trầm trọng.
Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm và có thể bùng phát thành dịch lớn, nhưng thường tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm và gặp nhiều ở trẻ em dưới 13 tuổi; ở vùng nhiệt đới bệnh có khuynh hướng xảy ra ở người lớn nhiều hơn. Khả năng miễn dịch của bệnh là vĩnh viễn, tuy nhiên có một số trường hợp bị nhiễm lần hai, gặp ở người có tổn thương hệ miễn dịch hay những người đã chủng ngừa thủy đậu. Khi mắc bệnh lần hai thường nhẹ hơn lần đầu và thường dưới dạng Zona hay còn gọi là giời leo.
Bệnh thủy đậu chủ yếu lây bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh và lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành do tiếp xúc với bóng nước. Thời gian ủ bệnh là 14-15 ngày. Bệnh khởi phát bằng những biểu hiện như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu; triệu chứng quan trọng và đặc hiệu để nhận biết bệnh thủy đậu là phát ban dạng nước ở da và niêm mạc, bóng nước dần xuất hiện theo trình tự thân mình, mặt, tay chân, niêm mạc miệng, niêm mạc đường tiêu hóa; bóng nước ban đầu chứa dịch trong sau 24 giờ thì hóa đục, bóng nước mọc nhiều đợt khác nhau nên có thể thấy nhiều dạng bóng nước trên một vùng da như: dạng phát ban, bóng nước trong, bóng nước đục, bóng nước đóng mày. Sau khoảng một tuần, hầu hết các bóng nước đóng mày và phục hồi không để lại sẹo; chỉ có bóng nước bị bội nhiễm mới để lại sẹo.
Bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng trầm trọng như viêm phổi, viêm gan, viêm não, nhiễm trùng huyết... dễ dẫn đến tử vong. Trong trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt, nhiều năm sau đó khi có điều kiện như sức đề kháng cơ thể kém thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây nên bệnh cảnh zona. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu ở ba tháng đầu thai kỳ sẽ gây sẩy thai, hay sinh ra trẻ bị dị tật bẩm sinh như đầu nhỏ, bại não, sẹo bẩm sinh...
Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Tiêm ngừa vắc xin đủ liều và đúng lịch
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có phương pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả và an toàn đó là tiêm vắc xin thủy đậu. Trẻ từ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vắc xin này.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc