Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh: Áp lực thiếu bác sĩ

08:29, 23/03/2018

Bác sĩ nghỉ việc, chuyển công tác nhiều, trong khi lực lượng mới bổ sung lại ít khiến cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh luôn trong tình trạng thiếu hụt bác sĩ.

Hơn 10 bác sĩ phục vụ 100 giường bệnh

Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, ngay từ khi thành lập (tháng 6-2007), bệnh viện đã gặp khó khăn không ít khi đội ngũ bác sĩ quá mỏng. Đến hiện tại, cả bệnh viện có 90 cán bộ, nhân viên nhưng chỉ có vỏn vẹn 16 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ làm công tác lãnh đạo và kế hoạch nghiệp vụ, chỉ còn lại 11 bác sĩ trực tiếp làm công tác khám, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Trong khi so với nhu cầu thực tế, bệnh viện cần phải có lực lượng bác sĩ khoảng 30 người.

Kỹ thuật viên của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh soi đờm trực tiếp phát hiện  vi khuẩn lao.
Kỹ thuật viên của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh soi đờm trực tiếp phát hiện vi khuẩn lao.

Thiếu bác sĩ nên tua trực ở bệnh viện rất dày, thậm chí các bác sĩ chẳng có thời gian nghỉ ngơi, đi học vẫn phải tranh thủ về làm việc. Hiện tất cả các thành viên Ban Giám đốc Bệnh viện đều kiêm nhiệm thêm rất nhiều công việc, vừa trực lãnh đạo, trực chuyên môn, tham gia đào tạo, quản lý mạng lưới phòng, chống lao trong toàn tỉnh, đôi khi còn tham gia khám bệnh ở phòng khám và tại các buồng bệnh... Chẳng hạn như tại khoa Nội 1 của bệnh viện, với 36 giường bệnh nhưng chỉ có 3 bác sĩ phụ trách, trong đó 1 bác sĩ đang nghỉ sinh và 1 bác sĩ thực tập. Bác sĩ Nông Thị Điềm – Trưởng khoa chia sẻ: “Với lực lượng bác sĩ quá mỏng như vậy, hoạt động khám chữa bệnh tại khoa gặp không ít khó khăn, các y bác sĩ đều phải gồng mình lên làm việc. Ngay như bản thân tôi cũng rất ít khi được ra trực (nghỉ trực luân phiên theo quy định), bởi nếu ra trực thì phải luân chuyển bác sĩ ở khoa khác đến làm thay, mà như vậy họ lại phải mất nhiều thời gian để nắm hết tình hình tại khoa và diễn biến bệnh của bệnh nhân. Hơn nữa, trong tình cảnh khoa nào cũng thiếu bác sĩ thì rất khó cho việc điều bác sĩ ở khoa này đến khoa khác”.

Liên tục có bác sĩ xin nghỉ, chuyển công tác

Hơn 10 năm qua, từ khi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đi vào hoạt động đã có 6 bác sĩ xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc. Thậm chí có trường hợp bác sĩ trẻ về nhận công tác, được bệnh viện ưu tiên cho đi học chuyên khoa để tạo nguồn, nhưng khi học xong lại xin nghỉ việc để đầu quân cho bệnh viện tư nhân.

Thăm khám cho bệnh nhân lao điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Thăm khám cho bệnh nhân lao điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

 

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ, xu hướng bệnh lao kháng thuốc đang tăng trong toàn quốc, đòi hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều trị của cán bộ làm công tác phòng, chống lao. Do đó, bệnh viện rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn nhân lực để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc người bệnh toàn diện.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến bệnh viện không thu hút cũng như không giữ chân được các bác sĩ một phần là môi trường làm việc độc hại, nguy cơ lây nhiễm cao, mặt khác các bác sĩ không có điều kiện làm phòng mạch ngoài để tăng thêm thu nhập. Song quan trọng hơn cả vẫn là sự kỳ thị của nhiều người xung quanh. “Mặc dù về công tác tại bệnh viện, các bác sĩ đều được hưởng chính sách thu hút, lương và phụ cấp đặc thù, nhưng ngay cả các bác sĩ mới ra trường, nghe thấy làm việc ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là né tránh, từ chối không muốn về. Còn người thân của họ cũng không muốn con em mình về làm việc tại đây vì e ngại lây nhiễm bệnh cho bản thân và gia đình. Nhưng rất khó để trách họ bởi sự thật là đã có nhân viên của bệnh viện bị người yêu từ chối, chủ nhà trọ tránh tiếp cận vì biết làm việc tại bệnh viện Lao” – bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ bộc bạch.

Mặc dù trong điều kiện thiếu hụt bác sĩ trầm trọng, song thời gian qua, đội ngũ thầy thuốc nơi đây vẫn nỗ lực vượt khó và có những đóng góp đáng khích lệ trong công tác quản lý, điều trị, phòng, chống bệnh lao và bệnh phổi trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm phát hiện trên 1.000 bệnh nhân đưa vào quản lý điều trị; tỷ lệ điều trị khỏi đối với bệnh lao phổi AFB đạt trên 85%; tỷ lệ bệnh nhân điều trị đủ liệu trình (6-8 tháng) đạt trên 90%. Không những thế, tại bệnh viện, nhiều kỹ thuật mới, khó đã được triển khai ứng dụng hỗ trợ cho công tác chẩn đoán điều trị như: sử dụng máy Gene Xpert để chẩn đoán lao và lao đa kháng thuốc; soi đờm bằng kính hiển vi huỳnh quang; nuôi cấy, định danh vi khuẩn; nuôi cấy, làm kháng sinh đồ cho những vi khuẩn, tạp khuẩn không phải Lao…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc