Con người có thể thức trắng được bao lâu?
Những kỷ lục đáng nể về không ngủ
Theo trang tin Grunge.com (GC), năm 1965 tại Califfornia (Mỹ) có một người đã tự thử nghiệm khả năng thức trắng của bản thân, đó là ông Randy Gardner với kỷ lục thức liên tục 11 ngày. Đây là một thử nghiệm hoàn toàn tự nguyện, lúc đầu mọi thứ đều ổn nhưng càng gần cuối Gardner càng chậm chạp do kiệt sức, buồn nôn và giảm chức năng nhận thức. Theo kết quả được công bố trên tạp chí Psychiatric Times, Gardner cho hay, càng thức lâu ông càng xuất hiện nhiều trạng thái rất khó tả như tâm trạng thay đổi liên tục, buồn nôn, phát sinh ảo giác mỗi khi nhìn thấy đồ vật hay người thân. Từ ngày thứ tư, các dấu hiệu nhầm lẫn bắt đầu xuất hiện dù Gardner là một cựu cầu thủ bóng đá người Mỹ gốc Phi có sức khỏe rất tốt. Sang ngày thứ 11, sức khỏe của ông thực sự nguy kịch, xuất hiện tình trạng hoang tưởng, gần như không thể nhớ những gì đã làm và những gì vừa mới xảy ra.
Mất ngủ là thủ phạm gây ra nhiều bệnh nan y. (Ảnh minh họa) |
Sau khi lập được kỷ lục thế giới, Gardner đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu và ngay lập tức là ngủ bù. Nhưng câu chuyện không dừng ở đây. Vào tháng 12-2017, khi đã ở tuổi 71, Gardner mới chính thức tiết lộ những tác động lâu dài của việc lập kỷ lục nói trên. Gardner đã mắc chứng mất ngủ trầm trọng, dù được chữa trị và tập luyện thì ông cũng chỉ ngủ được không quá 6 tiếng mỗi đêm. Hiện Gardner vẫn đang giữ Kỷ lục Guinness thế giới cho nội dung người còn sống có khả năng thức lâu nhất. Tuy nhiên, Tổ chức công nhận kỷ lục Guinness thế giới (GWR) đã ban hành quy định cấm các cuộc thi lập kỷ lục liên quan đến giấc ngủ vì nó quá nguy hiểm đến tính mạng con người.
Con người có thể thức được bao lâu ?
Theo BBC, nếu một người thọ 78 tuổi thì cả cuộc đời dành 9 năm xem ti vi, 4 năm lái xe, 92 ngày trong toilet, 48 ngày quan hệ tình dục và có tới 25 năm để ngủ. 25 năm là tổng thời gian ngủ trong cả đời cộng lại, còn khả năng thức liên tục của mỗi người khoảng bao lâu và mất ngủ liên tục sẽ gặp hậu quả gì thì khoa học vẫn đang kiểm chứng.
Theo một nhóm nghiên cứu ở Đại học Chicago, thời gian ngủ trong cả cuộc đời rất lớn, chức năng chính xác của việc ngủ đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết. Các nghiên cứu đều cho thấy, giấc ngủ thường xuyên và đầy đặn có tác dụng giúp hạn chế bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, giúp trao đổi chất hợp lý và nhiều lợi ích khác. Có thể thấy điều này qua thực tế là con người thường phục hồi nhanh, khỏe mạnh sau một giấc ngủ sâu. Ngược lại, thiếu ngủ có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì, trầm cảm và nhiều chứng bệnh nan y khác. Ngoài ra, thiếu ngủ còn gây ra nhiều hệ lụy như thiếu năng lượng, mất thăng bằng, choáng váng, đau nhức toàn thân, da sạm, chóng già... Các tài xế xe tải đường dài hoặc phi công nếu mất ngủ sẽ gia tăng tai nạn...
Nhiều công trình nghiên cứu phát hiện thấy bệnh mất ngủ rất phức tạp, có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố ăn uống, do môi trường, do thuốc chữa bệnh và cả yếu tố di truyền. Ví dụ, chứng mất ngủ di truyền có tên Fatal Familial Insomnia (FFI) là căn bệnh làm cho người ta mất ngủ triền miên. Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 40 gia đình mắc phải căn bệnh này. Bệnh do một gen bị khiếm khuyết gây ra khiến các protein trong hệ thần kinh biến thành các prion và bị mất các chức năng vốn có. “Prion là các protein có những hình dạng ngộ nghĩnh khiến cho người bệnh mất ngủ triền miên. Các prion này dồn ứ trong mô thần kinh, triệt tiêu mô và tạo ra những lỗ xốp trong não, giống như người mắc bệnh bò điên. Một bộ phận đặc biệt bị tổn thương nặng nề nhất ở bệnh nhân FFI là vùng đồi (thalamus), vị trí nằm sâu trong não làm nhiệm vụ kiểm soát giấc ngủ”, nhà nghiên cứu Erin Hanlon cho hay.
Những người mắc chứng mất ngủ FFI thường có những triệu chứng kỳ lạ như đồng tử co lại, liên tục ra mồ hôi... Sau một thời gian, bệnh nhân FFI rơi vào tình trạng mê tỉnh, thường xuất hiện mộng du hay những động tác cơ không chủ ý, sút cân, suy giảm trí nhớ, nếu trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Các thí nghiệm về giấc ngủ ở động vật cũng đã cho thấy, việc mất ngủ tự thân nó không dẫn đến tử vong mà nguyên nhân gây ra mất ngủ mới chính là thủ phạm. Qua thử nghiệm trên chuột do các chuyên gia ở Đại học Chicago thực hiện cho thấy, tất cả các con chuột được thí nghiệm đều chết sau một tháng liên tục không ngủ dù nguyên nhân không rõ ràng. Điều này tương tự ở con người, tuy nhiên câu hỏi liệu con người có thể thức được bao lâu vẫn là điều nhiều người muốn biết. Ông Randy Gardner đã được Sách Guinness thế giới công nhận. Tuy nhiên, theo các phương tiện thông tin đại chúng, ở Việt Nam cũng có trường hợp không ngủ trong thời gian rất dài, đó là ông Thái Ngọc (75 tuổi) ở thung lũng Nà Trăng heo hút thuộc huyện Quế Sơn (Quảng Nam) có đến 45 năm không ngủ (tính đến năm 2015). Hiện tượng kỳ lạ này đến nay khoa học vẫn chưa giải mã được.
Nguyễn Khắc Nam
(Dịch từ Net/BBC/GC- 12/2017)
Ý kiến bạn đọc