Đừng chủ quan với bệnh dại
Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong. Song, không ít người lại xem nhẹ bệnh này và thường chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh khi bị chó, mèo cào, cắn, dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng…
Liên tiếp các trường hợp tử vong do bệnh dại
Bệnh dại là bệnh viêm não cấp tính do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae gây ra. Vi rút bệnh dại sau khi đi vào cơ thể sống sẽ tác động vào hệ thần kinh làm cho con vật và người bị nhiễm trở nên điên dại rồi chết. Khi người bị nhiễm bệnh dại lên cơn thì không có bất cứ loại thuốc nào có thể chữa khỏi và tỷ lệ tử vong gần như là tuyệt đối. Song, bệnh dại có thể điều trị dự phòng ngay từ đầu bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, năm 2017, toàn tỉnh đã có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong 2 tháng đầu năm 2018 cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh này. Điều đáng quan tâm là cả 7 trường hợp nói trên đều không tiêm vắc xin phòng bệnh sau khi bị chó, mèo cào, cắn.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh dại hiệu quả. |
Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, rất nhiều người dân còn tâm lý chủ quan, khi bị chó, mèo cào, cắn, họ cho rằng chúng là vật nuôi trong nhà không có gì nguy hiểm nên không tiêm vắc xin phòng bệnh. Một số trường hợp mặc dù biết là bị chó dại cắn nhưng không tiếp cận với hệ thống y tế để xử lý mà lại tìm thầy lang để chữa trị bằng thuốc nam dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, hạn chế nguy cơ tử vong do bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, người dân phải rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Đối với con vật cắn người phải được nhốt lại theo dõi trong vòng 20 ngày. Nếu chó có bệnh, bỏ ăn hoặc chết phải báo ngay cho cơ sở đang tiêm phòng. Đặc biệt, không nên giết chó làm thịt ăn, vì trong quá trình giết chó nếu con vật bị bệnh dại có thể lây nhiễm qua vết trầy xước trên da.
Tỷ lệ đàn chó nuôi được tiêm phòng thấp
Được biết, nguồn mang bệnh dại chủ yếu là chó (90%), mèo (5%). Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, cào, liếm của chó, mèo. Trên thực tế, hiện tại đang là thời điểm bắt đầu mùa bệnh dại (thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm), nếu không dự phòng tốt thì nguy cơ bùng phát bệnh dại trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mặc dù cán bộ y tế, thú y liên tục tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại và vận động người dân tham gia tiêm phòng dại cho chó, mèo nhưng đa số người dân vẫn chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh. Vì vậy, tỷ lệ đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng bệnh dại rất thấp. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh chỉ có khoảng 40-50 nghìn con chó được tiêm phòng dại, trong khi số lượng đàn chó trên địa bàn tỉnh vào khoảng 400-500 nghìn con.
Có thể thấy, để phòng chống bệnh dại một cách hiệu quả, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân cần chủ động tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Đây còn là biện pháp phòng bệnh dại hữu hiệu và tiết kiệm nhất, bởi một mũi tiêm phòng cho chó chỉ hơn 20.000 đồng, trong khi chi phí cho mỗi ca tiêm vắc xin phòng dại ở người (gồm 5 mũi tiêm) hết khoảng 1-1,5 triệu đồng.
Khi bị chó, mèo cào, cắn không chảy máu hoặc chảy máu ít, ở vị trí xa thần kinh trung ương nhưng chó đã được chích ngừa, chó bình thường thì theo dõi con vật trong vòng 15 ngày, người bị cắn không cần tiêm. Nếu vết thương ở trên mặt, gần thần kinh trung ương và chó vẫn bình thường thì chỉ cần tiêm vắc xin phòng dại. Trong trường hợp, chó có triệu chứng dại, dù vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương vẫn phải tiêm cả huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc