Multimedia Đọc Báo in

Không nên dùng nhiều muối trong bữa ăn hàng ngày

08:02, 04/03/2018

Tại Hội thảo tăng cường truyền thông về giảm ăn muối do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tổ chức hồi cuối năm 2017, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, người Việt vẫn tiếp tục ăn nhiều muối gấp 5-10 lần so với nhu cầu. Điều này đang dẫn đến những nguy cơ lớn đối với sức khỏe.

Natri (sodium) trong muối có vai trò quan trọng, cần thiết cho sự sống như điều hòa thể tích máu và áp suất thành mạch máu (huyết áp). Natri là chất cốt yếu trong dịch ngoại bào, bao gồm cả máu. Lượng muối trong máu tỷ lệ thuận với lượng nước của máu; lượng muối trong máu tăng kéo theo lượng nước trong máu tăng, từ đó làm tăng thể tích máu và tăng huyết áp, và ngược lại. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên hấp thụ một lượng nhỏ natri là 2g, tương đương 5g muối/ngày, hoặc khoảng 1 muỗng cà phê muối. Đây là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Việc sử dụng nhiều muối trong một bữa ăn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người Việt thường có thói quen ăn mặn nên sử dụng nhiều muối trong các bữa ăn. Anh Phan Hiển (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Các món ăn thường chế biến đậm đậm cho ngon miệng, ăn mặn quen rồi, ăn nhạt không nuốt được”. Bà Trần Thị Thọ (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cũng thừa nhận: “Bữa ăn nào tôi cũng phải có chén nước mắm; thịt kho, cá kho tôi cũng phải chấm thêm nước mắm”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia y tế cho rằng thói quen ăn nhiều muối có thể gây suy thận, làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc đột quỵ, ảnh hưởng đến tim… Thực tế cho thấy, nhu cầu muối hằng ngày của mỗi người là từ 1-2g, nhưng phần lớn người dân đang sử dụng khoảng 10g/ngày. Ở các nước phát triển, 77% lượng muối đưa vào cơ thể thông qua thực phẩm chế biến sẵn, ăn uống tại nhà hàng, khách sạn, thì tại Việt Nam chỉ 20% muối được cung cấp từ nguồn này, phần lớn muối ăn được đưa vào cơ thể lại là từ việc chế biến và ăn tại nhà.

Tại Việt Nam, tử vong do các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng lên: Năm 2012 cả nước có 520.000 trường hợp tử vong thì có đến 73% ca tử vong do bệnh không lây nhiễm, với 379.600 trường hợp. Đến năm 2017, con số tử vong do bệnh không lây nhiễm tăng lên 76%, với hơn 411.000 ca. Trong số trường hợp tử vong, bệnh tim mạch chiếm 33%, ung thư 18%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 7% và bệnh tiểu đường 3%. Các chuyên gia y tế cho rằng, thói quen ít ăn rau xanh, trái cây nhưng lại ăn mặn có khả năng gây ung thư. Các nghiên cứu cho thấy việc ăn quá mặn mỗi ngày gây tăng khả năng nhiễm loại vi khuẩn H.pylori, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày; thói quen ăn mặn còn gây tổn hại niêm mạc dạ dày, muối kích thích viêm mãn tính ở niêm mạc dạ dày, từ đó mở đường cho ung thư phát triển.

Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm đã đề ra mục tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối của mỗi người vào năm 2025, tức là lượng muối ăn trung bình mỗi người dân giảm còn 6,6g. Đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng về giảm lượng muối trong các bữa ăn. Hình thành thói quen ăn nhạt cho trẻ ngay từ nhỏ, đối với trẻ ăn dặm, không nên bổ sung muối vào thức ăn của trẻ.

Ăn nhiều trái cây và rau xanh, thường xuyên ăn các món luộc. Giảm các món rim, kho, rang. Sử dụng các gia vị khác nhau để tăng hương vị cho thực phẩm thay vì dùng muối. Đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi ăn. Khi nấu ăn hãy giảm lượng muối.     

                    Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.