Phụ nữ cần chủ động khám phụ khoa định kỳ
Khám phụ khoa định kỳ là việc làm quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chị em, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số, chưa nhận thức được điều này, còn ngại đi khám phụ khoa, ngay cả khi nghi ngờ mắc bệnh.
Đến khám bệnh phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông, khi nghe bác sĩ gọi tên vào phòng khám, chị Sàng Thị Seo (xã Cư Pui, Krông Bông) vẫn tỏ ra ái ngại, thẹn thùng. Chị tâm sự: “Mặc dù tôi được các chị cộng tác viên tuyên truyền rất nhiều về lợi ích của việc khám phụ khoa nhưng tôi vẫn ngại đi khám, cũng không có thời gian vì tôi thường xuyên phải đi làm đồng. Thời gian gần đây, vùng kín hay bị ngứa, đau rát, lại ra nhiều huyết trắng có mùi hôi nên tôi mới đến bệnh viện khám”. Chị Trần Thị Chi (xã Cư Kty, Krông Bông) cũng rất ít khi khám phụ khoa định kỳ, thậm chí có lần chị bị viêm lộ tuyến cổ tử cung mà cứ tự mua thuốc về đặt âm đạo, khi vùng kín trở nên ẩm ướt, khó chịu và ngứa ngáy không chịu nổi mới đến bệnh viện điều trị.
Một bệnh nhân đến khám bệnh phụ khoa tại Khoa sản (Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông). |
Lơ là khám phụ khoa định kỳ là thực trạng diễn ra khá phổ biến tại huyện Krông Bông. Bác sĩ Phạm Thị Nha (khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông) cho biết: “Hằng ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị bệnh phụ khoa cho khoảng từ 10 - 15 bệnh nhân, hầu hết những bệnh nhân này đều không chủ động khám phụ khoa định kỳ. Thậm chí có người mắc bệnh đã lâu nhưng vẫn ngại ngần không dám đi khám, chỉ đến khi không chịu đựng được mới tìm đến bác sĩ thì bệnh đã diễn biến phức tạp, khó điều trị hoặc phải điều trị kéo dài, có những trường hợp bị ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con”.
Bệnh ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm 60% bệnh ung thư ở phụ nữ. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung, như: vệ sinh kém, nhiễm HPV, hoạt động tình dục sớm, sinh đẻ sớm, có nhiều bạn tình, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục… Nếu phụ nữ thực hiện khám phụ khoa định kỳ sẽ dễ dàng phát hiện bệnh sớm và tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao. |
Theo bác sĩ Phạm Thị Nha, khám phụ khoa là việc làm cần thiết và quan trọng đối với phụ nữ. Do cấu tạo đặc biệt của bộ phận sinh dục nữ, lại đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ nên nhiễm trùng âm hộ, âm đạo là bệnh lý rất thường gặp ở phụ nữ. Triệu chứng chủ yếu để nhận biết nhiễm khuẩn âm hộ, âm đạo là ra huyết trắng nhiều, có mùi hôi tạo cảm giác ngứa ngáy, nóng rát ở bộ phận sinh dục. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến kinh niên, để lại di chứng nguy hiểm như: ung thư đường sinh sản, tắc vòi trứng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chị em chưa hiểu tầm quan trọng của việc khám phụ khoa định kỳ nên chưa quan tâm đến vấn đề này; còn e ngại việc phải thăm khám vùng kín, số khác lại cho rằng không có bệnh thì không cần đi khám. Đặc biệt, tại huyện Krông Bông, một số phụ nữ người Mông vẫn còn tục lệ mời thầy về cúng mỗi khi mắc bệnh. Vì vậy, những trường hợp đến bệnh viện khám, điều trị đều bị viêm nhiễm phụ khoa nặng, viêm lộ tuyến tử cung, viêm nhiễm đường sinh sản, bị u xơ, thậm chí có trường hợp bị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn…
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ tiền mãn kinh nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần. Đối với phụ nữ đã sinh đẻ, phụ nữ trên 35 tuổi và đang thời kỳ tiền mãn kinh thì việc khám phụ khoa định kỳ còn giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung…
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc