Sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà: Nguy cơ tử vong cả mẹ và con
Gần đây, trên các mạng xã hội lan truyền trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” theo kiểu tự sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ, không cắt dây rốn và không tiêm phòng cho trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, phương pháp sinh con này là vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con rất cao.
Với những người cổ súy cho trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” thì việc không cắt rốn trẻ sau sinh giúp cơ thể trẻ tiếp xúc kéo dài với bánh nhau, từ đó tăng khả năng thích nghi với môi trường mới bên ngoài tử cung, giảm stress và nhận được tất cả dinh dưỡng từ bánh nhau. Tuy nhiên, theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Bởi, khi sản phụ sinh tại nhà, không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ tai biến, trong đó đứng đầu là băng huyết, đờ tử cung. Hơn nữa, sinh tại nhà, quá trình chuyển dạ sẽ không theo dõi được tim thai em bé nên có thể dẫn đến suy thai khiến trẻ tử vong trong lúc chuyển dạ hoặc ngay sau sinh. Đặc biệt, những trường hợp sản phụ mang thai bất thường như ngôi thai không thuận, thai to không thể đẻ tự nhiên theo ngả âm đạo, hay sản phụ xuất hiện các cơn co giật huyết áp do cao huyết áp trong khi chuyển dạ và sau sinh thì cả mẹ và con đều có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, sinh con tại nhà trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, không vô khuẩn, không tiêm chủng uốn ván cho con, lại để bánh nhau dính với con từ 3-10 ngày không cắt rốn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn tới nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ sơ sinh.
Một ca sinh thường “mẹ tròn con vuông” tại Trạm y tế xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trên thực tế, các chuyên gia y tế cho rằng, việc sinh nở theo tự nhiên phải được hiểu một cách đầy đủ là ca sinh tại cơ sở y tế, được cán bộ y tế đỡ đẻ, sản phụ mang thai đủ ngày đủ tháng, có sinh lý của một cuộc chuyển dạ bình thường và sinh con qua ngả âm đạo, không can thiệp vội vàng hoặc lựa chọn ngày, giờ chào đời của bé theo nguyện vọng của bản thân sản phụ và gia đình. Đồng thời, quá trình sinh nở tại cơ sở y tế, sản phụ sẽ được theo dõi tiến triển cuộc chuyển dạ, nghe tim thai, theo dõi sự giãn nở của tử cung, sức khỏe của người mẹ, sự biến chuyển của cơn co. Trong trường hợp phát hiện những bất thường khiến sản phụ không thể sinh tự nhiên qua ngả âm đạo, cán bộ y tế sẽ có những tư vấn và can thiệp sản khoa kịp thời để hạn chế thấp nhất những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh.
Thăm khám, theo dõi thai kỳ cho sản phụ tại Trạm y tế xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc). |
Có thể thấy, mang thai là cả quá trình từ khi hình thành thai nhi đến khi em bé chào đời. Và cuộc sinh nở nào cũng tiềm ẩn rất nhiều tai biến sản khoa không biết trước. Vì thế, khi mang thai, sản phụ cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe, theo dõi thai kỳ từ lúc mang thai đến khi chuyển dạ và sau sinh. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoa cho biết, trước đây điều kiện y tế còn khó khăn, phụ nữ, nhất là các đối tượng ở vùng sâu vùng xa thường tự sinh con tại nhà nên tỷ lệ tử vong mẹ, con rất cao. Những năm sau này, ngành sản khoa đã phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em bằng cách giám sát, chăm sóc suốt quá trình từ khi mang thai, khám thai định kỳ, đến lúc chuyển dạ, sinh nở và tiêm phòng uốn ván sơ sinh. Do vậy, khi mang thai hay sinh nở, các sản phụ cần đến cơ sở y tế để được theo dõi thai kỳ, chăm sóc thai, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ con sau sinh. Đặc biệt không nên tin và làm theo những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội, mà phải xem xét thông tin đó có xuất phát từ phía cơ quan chuyên môn và đủ độ tin cậy hay không.
Theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được Bộ Y tế phê chuẩn và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, dây rốn của trẻ sơ sinh sẽ được cắt từ 1 - 3 phút sau sinh. Mục đích của việc cắt rốn chậm vài phút là giúp bé có thêm lượng sắt trong cơ thể và một số yếu tố khác. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc