Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nhiều giải pháp để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

08:14, 01/04/2018

Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) TP. Buôn Ma Thuột, năm 2017 tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của thành phố là 117 bé trai/100 bé gái, có giảm so với năm 2016 nhưng vẫn còn nằm trong mức báo động.

TP. Buôn Ma Thuột là địa phương đứng thứ 3 trong tỉnh về chênh lệch giới tính khi sinh sau huyện Ea Súp và huyện Krông Búk. Các xã phường có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao gồm: Khánh Xuân, Thắng Lợi, Thống Nhất, Hòa Thắng…

Theo ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP. Buôn Ma Thuột, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là tư tưởng muốn sinh con trai để nối dõi tông đường; lạm dụng sự phát triển của y học qua thiết bị siêu âm chẩn đoán giới tính để lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn.

Truyền thông về kế hoạch hóa gia đình tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Truyền thông về kế hoạch hóa gia đình tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Ghi nhận tại một buổi khám thai định kỳ và tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai tại Trạm Y tế phường Tân Lợi cho thấy, dù phần lớn các thai phụ đều quan tâm, lo lắng sức khỏe trong thai kỳ và mong muốn “mẹ tròn, con vuông”, song tâm lý chung của các cặp vợ chồng khi thực hiện siêu âm là muốn biết về giới tính của thai nhi. Nhiều bậc cha mẹ, dù mang thai lần đầu nhưng tâm lý vẫn mong muốn sinh con trai cho chắc chắn hoặc có trường hợp đã sinh được cả con trai và con gái nhưng vẫn mong muốn sinh thêm con trai… Chị Lê Thị Trang (phường Tân Lợi) tâm sự: “Mình mới mang thai lần đầu và thai đã được 5 tháng. Điều mà mình quan tâm nhất khi đi khám thai là sức khỏe của thai nhi, và khi siêu âm dù không coi trọng vấn đề sinh con trai hay con gái nhưng mình cũng rất muốn biết giới tính của con”. Còn vợ chồng anh Trương Văn Sanh và chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (thôn 1, xã Ea Kao) dù đã có hai con trai nhưng vẫn mong muốn sinh thêm con thứ ba. “Vì đã có hai con trai nên vợ chồng tôi dự tính khoảng vài năm nữa sẽ sinh thêm con thứ ba với mong muốn là con gái cho “có nếp, có tẻ”. Nhưng nếu sinh ra con trai thì phải sinh thêm đứa thứ tư nữa để anh em nó không khổ vì người ta thường quan niệm là “tam nam bất phú” mà” -  anh Sanh chia sẻ.

Tiêm phòng vắcxin ngừa uốn ván cho bà mẹ mang thai tại Trạm Y tế phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột).
Tiêm phòng vắcxin ngừa uốn ván cho bà mẹ mang thai tại Trạm Y tế phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột).

Trước thực trạng trên chênh lệch giới tính khi sinh, trong thời gian qua, Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP. Buôn Ma Thuột đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động truyền thông tại 21/21 phường, xã như: lồng ghép tuyên truyền vận động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp và người dân về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phối hợp với Phòng Y tế thành phố rà soát các phòng khám sản, siêu âm trên địa bàn, tổ chức cho các cơ sở này ký cam kết thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời định kỳ hằng năm giám sát, kiểm tra việc thực hiện cam kết này. Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP. Buôn Ma Thuột, nhấn mạnh: Trong năm 2018, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông thay đổi hành vi như: tổ chức hội nghị chuyên đề về thực trạng, bàn giải pháp giải quyết vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi; tư vấn trực tiếp, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; lồng ghép các nội dung truyền thông mất cân bằng  giới tính khi sinh vào các hoạt động văn hóa, xã hội. Đặc biệt, tăng cường truyền thông trực quan như lắp đặt và bổ sung nội dung tuyên truyền ở các cụm pa nô về mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường đăng tải các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hương Xuân - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.