Multimedia Đọc Báo in

Ea Súp đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu

09:22, 24/05/2018

Ngay sau khi phát hiện số ca bệnh thủy đậu, quai bị trên địa bàn gia tăng bất thường, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu, quai bị nhằm kiểm soát, không để bệnh lây lan rộng.

Mặc dù đã điều trị khỏi bệnh thủy đậu cách đây hơn 10 ngày, nhưng khắp cơ thể của cháu Lê Thị Hồng Vân (6 tuổi, ở thôn 7, xã Cư M’lan) vẫn còn lưu lại rất nhiều sẹo - dấu vết của những nốt phỏng bị vỡ. Bà Trần Thị Nhu, bà ngoại của cháu Vân cho biết: Khi thấy cháu biếng ăn, sốt nhẹ, có biểu hiện ngứa và mọc một vài nốt đỏ trên đầu, mặt, gia đình đã đưa cháu đến phòng khám tư gần nhà để khám và được biết cháu bị thủy đậu. Lúc thấy con mắc bệnh rồi bố mẹ cháu mới nhớ là chưa cho cháu tiêm vắc xin phòng bệnh này.

Không chỉ riêng cháu Vân mà từ đầu năm đến nay, xã Cư M’lan cũng đã ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Trong đó, có 1 ổ dịch tại điểm Trường Mầm non Sơn Ca với 10 cháu mắc, số ca còn lại nằm rải rác tại thôn 7. Anh Y Đa Vít Siu, Phó Trưởng Trạm y tế xã Cư M’lan chia sẻ: “Ngay sau khi liên tiếp ghi nhận các ca bệnh thủy đậu trên địa bàn, Trạm đã chủ động khoanh vùng xử lý. Đồng thời, đến trường và gia đình bệnh nhân hướng dẫn nhà trường, người thân cho trẻ nghỉ học, cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ khỏe mạnh để ngăn chặn bệnh lây lan; đẩy mạnh tuyên truyền trên các địa bàn dân cư về bệnh thủy đậu và cách phòng chống để người dân cùng tham gia dập dịch”.

Cán bộ Trạm y tế xã Cư M’lan tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống  bệnh thủy đậu.
Cán bộ Trạm y tế xã Cư M’lan tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống bệnh thủy đậu.

Số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện ghi nhận 89 trường hợp mắc bệnh thủy đậu với 9 ổ dịch, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca bệnh chủ yếu tập trung tại thị trấn Ea Súp và hai xã Cư M’lan, Ea Lê. Theo ông Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, bệnh thủy đậu là bệnh lưu hành hằng năm và nhiều năm qua chưa có ca bệnh nào bị biến chứng nặng nề dẫn đến người dân có tâm lý chủ quan đối với bệnh này, ý thức phòng bệnh còn hạn chế. Không những thế, khi trẻ mắc bệnh, gia đình không thực hiện cách ly mà vẫn đưa trẻ đi học, đi chơi ở chỗ đông người dẫn đến bệnh nhanh chóng lây lan.

Để ứng phó với tình hình và xử lý ổ dịch kịp thời, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện Ea Súp xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện giám sát chủ động, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc bệnh thủy đậu. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiến hành phun hóa chất Cloramin B xử lý bề mặt ở trường học và khu vực nhà bệnh nhân;  chỉ đạo đội ngũ y tế thôn, buôn tăng cường giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông cả trực tiếp và gián tiếp để hướng dẫn người dân cách nhận biết dấu hiệu của bệnh, cách chăm sóc và điều trị bệnh, cách phòng bệnh; hướng dẫn các trường học tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu như: thường xuyên vệ sinh phòng học, khử khuẩn đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B, cho trẻ rửa tay với xà phòng; cho trẻ bị bệnh nghỉ học để cách ly nguồn lây… 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn bề mặt tại nhà một bệnh nhân.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn bề mặt tại nhà một bệnh nhân.

Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành Y tế, đến thời điểm này, toàn bộ các ổ dịch thủy đậu trên địa bàn huyện Ea Súp đã được khống chế, xử lý và không ghi nhận thêm ca bệnh mới. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nguyễn Viết Hữu, tuy số ca bệnh giảm mạnh và không xuất hiện ổ dịch mới nhưng công tác truyền thông nâng cao ý thức của người dân vẫn được Trung tâm tăng cường, bởi chỉ cần mất cảnh giác nguy cơ dịch bệnh tái xuất hiện rất cao.

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella. Bệnh rất dễ lây lan từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh diễn biến lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Vì thế, để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ bắt đầu từ 12 tháng tuổi.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.