Huyện Buôn Đôn đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh
Nhằm chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, huyện Buôn Đôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả trực tiếp và gián tiếp để giúp người dân hiểu, thay đổi hành vi và tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Trước đây, do chủ quan và thiếu ý thức trong việc phòng trừ dịch bệnh nên anh Y Phép H’ra (ở buôn Tul B, xã Ea Wer) và người thân trong gia đình thường hay mắc bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Thế nhưng, qua tuyên truyền, vận động của cộng tác viên y tế buôn và cán bộ trạm y tế, anh Y Phép đã hiểu rằng chỉ cần thực hiện những hành động nhỏ như ngủ phải mắc màn, ăn chín uống sôi, thường xuyên phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt lăng quăng, bọ gậy… sẽ hạn chế được mầm bệnh phát triển, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
Buôn Đôn là một trong những huyện nghèo của tỉnh, đời sống còn nhiều khó khăn, một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn có thói quen đi rừng ngủ rẫy không mắc màn, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, chăn nuôi gia súc thả rông dưới sàn nhà nên dễ phát sinh các loại dịch bệnh. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện Buôn Đôn đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện và các ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Cộng tác viên y tế buôn Tul B, xã Ea Wer tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. |
Theo ông Phùng Anh Kiên, cán bộ Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, với phương châm không để dịch bệnh phát sinh thành dịch lớn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, Trung tâm đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, triển khai sâu rộng tới các xã, thị trấn; tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ cũng như phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để xử lý kịp thời, nhất là các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt rét… Đồng thời, hằng tháng Trung tâm còn phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tổ chức đội xung kích ở các thôn, buôn ra quân tổng dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, cọ rửa vật dụng đựng nước, diệt lăng quăng (bọ gậy), tổ chức phun hóa chất chủ động ở các địa bàn trọng điểm của bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn hướng dẫn người dân cách vệ sinh dụng cụ chứa nước, diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết, sốt rét. |
Cùng với đó, ngành Y tế huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tổ chức tuyên truyền theo từng chủ đề, từng thời điểm mà các loại dịch bệnh xảy ra trong năm. Còn tại thôn, buôn, đội ngũ cộng tác viên y tế cũng tổ chức tuyên truyền theo từng cụm dân cư tại trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng hoặc trực tiếp đến từng hộ dân để hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chị Đỗ Thị Ánh Nguyệt, cộng tác viên y tế buôn Tul B, xã Ea Wer cho biết: “Buôn Tul B là một trong những địa bàn có bệnh sốt rét lưu hành. Trong khi đó, buôn lại có nhiều người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Vì thế, trong quá trình tuyên truyền, tôi luôn vận động bà con phải ngủ màn khi đi rừng, ngủ rẫy, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi truyền bệnh…”.
Có thể thấy, nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từ đầu năm đến nay toàn huyện chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 5 ca bệnh tay chân miệng và 7 ca bệnh sốt rét, giảm mạnh so với cùng kỳ của những năm trước đó. Tuy nhiên, để duy trì được kết quả này, ngoài nỗ lực của ngành y tế, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Đặc biệt người dân cần có thái độ tích cực, đề cao cảnh giác với dịch bệnh để chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc