Những "cánh tay" nối dài của y tế cơ sở (Kỳ 1)
Sau gần 20 năm triển khai mạng lưới nhân viên y tế thôn, buôn (NVYTTB), công tác chăm sóc y tế, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa đã có những thay đổi tích cực, người dân dần được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay nơi mình sinh sống. Vượt qua những khó khăn, NVYTTB dần trở thành “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở góp phần hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Kỳ 1: Những đôi chân không mỏi
Không khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, không làm việc trong các bệnh viện, nhưng các NVYTTB vẫn được người dân yêu mến gọi là “bác sĩ” – những người ngày ngày miệt mài, cần mẫn làm việc vì sức khỏe cộng đồng...
Từ trung tâm huyện Krông Búk, chúng tôi đi gần 40 km mới đến được buôn Cư Kanh, xã Ea Sin nằm heo hút giữa bốn bề rừng núi bao bọc. Dưới trưa nắng oi ả, chị Nguyễn Thị Yến, nhân viên y tế buôn Cư Kanh vẫn tranh thủ đến từng hộ dân nhắc nhở về lịch tiêm chủng mở rộng sắp tới. 13 năm qua, chị Yến vẫn kiên trì đến từng nhà như vậy để tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em. Vào mùa người dân đi rẫy, xa đến đâu chị cũng theo họ vào. Nhiều người khó chịu ra mặt vì bị làm phiền, có lúc tủi thân lắm, nhưng chị vẫn không bỏ cuộc.
Nhờ được nhân viên y tế thôn, buôn vận động tuyên truyền, người dân đã chủ động đến Trạm Y tế khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. |
Chị Yến chia sẻ: “Cả buôn có 85 hộ dân với 384 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Êđê. Cuộc sống của họ chủ yếu nhờ vào nương rẫy. Nhiều năm trước đây, người dân trong buôn thường tự sinh con ở nhà, không đi khám thai nên phụ nữ mang bầu không biết đến các nguy cơ khi mang thai và sinh nở. Việc nuôi con cũng theo kiểu truyền miệng, nhiều phương pháp không đúng khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển”.
Điều chị Yến hạnh phúc nhất là công việc nhỏ bé của bản thân mình đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt của người dân. Bây giờ trong buôn có ai đau ốm, sinh đẻ đều đến cơ sở y tế. Nhiều người đã biết cách chăm sóc con cái để không bị suy dinh dưỡng, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được người dân tiếp cận và hưởng ứng ngày càng cao.
“Mỗi khi thấy ông Cấp đến nhà, người dân biết ngay là sắp có chương trình tiêm chủng mở rộng. Họ lại tự giác nhắc nhở con cháu đi tiêm chủng đầy đủ…”
Ông Võ Hương, Trưởng Trạm Y tế xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana
|
Chị H’Trinh Niê (24 tuổi, ở buôn Cư Kanh) mới mang thai lần đầu chia sẻ: “Bản thân em cũng như bà con ở đây biết được ý nghĩa quan trọng của khám thai định kỳ, cách chăm sóc thai nhi, tiêm chủng mở rộng… là nhờ sự tư vấn nhiệt tình, cặn kẽ của chị Yến. Khi có lịch tiêm chủng, chị lại đến tận nhà nhắc đến trạm y tế xã tiêm phòng đầy đủ…”.
Đến buôn Krông (xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana), hỏi ông Tào Văn Cấp, NVYTTB thì ai cũng biết. Ông được bà con ở đây yêu mến bởi cách tuyên truyền dễ hiểu, khéo léo và gọi vui là “bác sĩ” của buôn.
Buôn Krông gần như biệt lập với bên ngoài bởi những dãy núi, con suối. Buôn có gần 100% là người dân tộc thiểu số. Ông Cấp cho hay, những ngày đầu mới làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe khó lắm, bởi tâm lý bà con ngại thay đổi. Nhưng “mưa dầm thấm lâu” vận động liên tục nên dần dà họ cũng xóa bỏ những thói quen như ngủ không màn, uống nước suối... “Ban đầu mới làm nghề này bỡ ngỡ và ngại ngùng lắm, vì chủ yếu là tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho bà con, lại còn thăm khám cho sản phụ và trẻ sơ sinh… Nhưng ngại thì ai làm, riết cũng quen!” - ông Cấp hồn hậu nói .
Chị Nguyễn Thị Yến tư vấn sức khỏe sinh sản cho chị H’Trinh Niê ở buôn Cư Kanh. |
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 2.475 NVYTTB ở 100% thôn, buôn của 184 xã, phường, thị trấn. Đánh giá về hiệu quả hoạt động mà đội ngũ NVYTTB, Bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Đội ngũ NVYTTB góp sức rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em, giúp người dân chủ động phòng chống dịch bệnh. Dù công việc nhiều vất vả, nhất là ở những vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, nhưng với lòng nhiệt huyết, họ đã trực tiếp triển khai hiệu quả các hoạt động y tế đến tận người dân. Đây được xem là “cánh tay” đắc lực của ngành Y tế, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe cộng đồng”.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc