Multimedia Đọc Báo in

Những "cánh tay" nối dài của y tế cơ sở (Kỳ 2)

08:02, 28/05/2018

[links(left)]

Kỳ 2: Trăn trở với những khó khăn

Mạng lưới nhân viên y tế thôn, buôn (NVYTTB) được xem là nhân tố quan trọng giúp người dân ở những vùng sâu, vùng xa tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế. Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ này vẫn tồn tại nhiều bất cập cần có những chính sách đồng bộ, hợp lý hơn.

Trách nhiệm nhiều, phụ cấp ít

Không quản nắng mưa, những NVYTTB vẫn miệt mài băng rừng, lội suối đến từng gia đình tuyên truyền phòng bệnh, theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em hay phát hiện dịch bệnh để báo cáo kịp thời về trạm y tế xã nhằm có hướng xử lý. Công việc tưởng như giản đơn nhưng lại tốn rất nhiều công sức, bởi các xã vùng sâu, vùng xa chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại cách trở...

Chị H’Lin Mlô, nhân viên y tế buôn Tlan (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) vẫn còn nhớ rõ đợt bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong buôn vào năm 2016 khiến 170 trường hợp mắc bệnh và 1 trường hợp biến chứng đầu nhỏ do vi rút Zika. “Thời điểm đó, ngày nào tôi cũng đến từng nhà tuyên truyền vận động rồi cùng bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường. Vào mùa mưa, đất sình lầy, phải bỏ xe máy đi bộ cả cây số mới đến được nhà dân. Có nhiều hôm đi làm đến tối mịt mới về, chồng bận việc, con cái không ai quan tâm chăm sóc…” – chị H’Lin Mlô kể.

Chị  H’Lin Mlô (bìa trái) tuyên truyền cách phòng, chống  dịch sốt  xuất huyết  cho gia đình chị  H’Mon Niê ở  buôn Tlan.
Chị H’Lin Mlô (bìa trái) tuyên truyền cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho gia đình chị H’Mon Niê ở buôn Tlan.

Công việc của NVYTTB vất vả, áp lực là vậy nhưng phụ cấp chi trả khá thấp. Theo Nghị quyết 106/2013/NQ-HĐND ngày 20-12-2013 của HĐND tỉnh NVYTTB tại các xã thuộc đơn vị hành chính khó khăn được hưởng bằng 0,6 lần so với mức lương tối thiểu; NVYTTB tại các xã còn lại hưởng mức phụ cấp bằng 0,4 lần so với mức lương cơ sở.

Mỗi tháng, những người làm công việc như chị H’Lin Mlô chỉ nhận được phụ cấp 780.000 đồng. Trong khi đó, họ lại không được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Nhiều người cho rằng, số tiền phụ cấp đó chỉ đủ đổ xăng và tiền cước điện thoại mỗi tháng. “Tôi vẫn muốn làm, nhưng phụ cấp ít quá, chỉ mong được thêm ít nữa để trang trải cuộc sống…” - chị H’Lin Mlô bày tỏ. Cùng chung mong mỏi đó, bà Nguyễn Thị Thảo, nhân viên y tế buôn Dur 2, xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana chia sẻ: “Mình đi làm vì muốn đóng góp tí công sức cho bà con, xung quanh đều là người thân, hàng xóm, chứ chừng đó phụ cấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình”.

Dưới góc độ quản lý NVYTTB, Bác sĩ Y Kê Niê, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Sin, huyện Krông Búk trăn trở: “Công sức bỏ ra nhiều nhưng phụ cấp thấp là một trong những lý do chính khiến những năm gần đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Y dù ra trường chưa có việc làm cũng không mặn mà với công việc y tế thôn, buôn. Thậm chí, có nhiều NVYTTB gắn bó công việc một thời gian cũng chuyển sang một công việc mới hoặc nghỉ hẳn để chuyên tâm lo kinh tế gia đình”.

Cần chuẩn hóa đội ngũ y tế thôn, buôn

Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2014, tỷ lệ NVYTTB được đào tạo chuyên môn từ 6 tháng trở lên (kể cả có bằng trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp khối sức khỏe nghề nghiệp) chỉ đạt khoảng 5%, số được đào tạo chuyên môn từ 2 tuần đến 6 tháng đạt khoảng 70%, số còn lại chủ yếu là “cầm tay chỉ việc” trong các hoạt động cụ thể. Vì  chưa bảo đảm trình độ chuyên môn theo khung chương trình đào tạo của Bộ Y tế, không được cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên nên nhiều NVYTTB còn hạn chế trong công tác.

Nhờ công tác tuyên truyền đến tận thôn, buôn, người dân đã chú trọng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Nhờ công tác tuyên truyền đến tận thôn, buôn, người dân đã chú trọng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. 
 

 “Chúng tôi mong cấp có thẩm quyền tiến hành rà soát, tổ chức lại đội ngũ nhân viên NVYTTB, xây dựng đề án theo hướng nâng cao chất lượng, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho NVYTTB sao cho phù hợp với thực tế chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới". 

 

 
Bác sĩ Chu Sĩ Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Ana

Theo Bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, NVYTTB là những cộng tác viên y tế tại cộng đồng, công việc bán chuyên trách nên hầu hết họ làm kiêm nhiệm. Nhiều người nghỉ việc do thay đổi công việc chính, chuyển chỗ ở, hoặc do sức khỏe, lớn tuổi… chưa thể tìm người khác thay thế kịp thời. Trong khi đó, những NVYTTB trẻ tuổi ít có dịp được nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới.

Được biết, trong năm 2015, Sở Y tế đã lập kế hoạch đào tạo lại đối với hầu hết NVYTTB của tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí tương đối lớn nên đến nay, các Trung tâm Y tế và Trạm y tế xã vẫn chủ yếu là cầm tay chỉ việc cho đội ngũ NVYTTB.

Bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đang phối hợp với Ban quản lý Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 xây dựng kế hoạch triển khai công tác đào tạo lại và đào tạo mới NVYTTB. Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ tổ chức 7 lớp đào tạo lại cho 245 học viên và đào tạo mới 4 lớp với 140 học viên. Khi kế hoạch kinh phí của dự án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở sẽ tổ chức triển khai đào tạo theo kế hoạch.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc