Multimedia Đọc Báo in

Điện thoại đường dây nóng: Tăng thêm niềm tin của người bệnh với cơ sở y tế

09:00, 29/06/2018

Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22-11-2013 của Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng, hệ thống số điện thoại đường dây nóng (ĐDN) đã trở thành kênh giám sát rất hiệu quả của ngành Y tế.

Bác sĩ Y Kim Ly Niê, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, đến nay tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều đã thiết lập điện thoại ĐDN và hoạt động ổn định.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi tiếp nhận trung bình gần 1.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh mỗi ngày càng thấy rõ hơn hiệu quả của điện thoại ĐDN. Ở các dãy ghế ngồi chờ hoặc hành lang phòng khám tại khoa Khám bệnh của bệnh viện đều niêm yết các số điện thoại ĐDN, số điện thoại của trưởng khoa, người trực khám bệnh. Đối với các khoa có bệnh nhân điều trị nội trú như nội, chấn thương, tim mạch, thần kinh… trước mỗi phòng bệnh đều có các bảng ghi số điện thoại ĐDN và điện thoại của trưởng khoa, bác sĩ điều trị được dán ngay ngắn. Cùng với đó, dọc hành lang các khoa, phòng đều có bảng thông báo thông tin cơ bản về khoa, số cán bộ, y, bác sĩ, về trách nhiệm của y, bác sĩ đối với bệnh nhân, quyền lợi của người bệnh và số điện thoại ĐDN để bệnh nhân phản ánh kịp thời những vấn đề được và chưa được của khoa…

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn khám bệnh cho người dân.

Bác sĩ Y Bliu Ayun, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Ngoài việc công khai số điện thoại ĐDN chung của ngành, bệnh viện còn công khai số điện thoại của giám đốc và các phó giám đốc. Đồng thời, trong Ban lãnh đạo bệnh viện cũng phân công người trực ĐDN 24/24 giờ để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh theo phản ánh của người bệnh. Trước đây, khi mới thiết lập đường dây nóng thực sự rất “nóng” và hỗ trợ cho bệnh viện rất nhiều trong chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ cũng như tinh thần, trách nhiệm của nhân viên y tế. Khi những vấn đề phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đã được giải quyết kịp thời, thấu đáo và chất lượng khám chữa bệnh cũng như thái độ phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, các phản ánh từ bệnh nhân giảm, đường dây nóng cũng “hạ nhiệt”. Đến nay, vài ba ngày, thậm chí cả tuần mới có một cuộc gọi đến ĐDN. Điều đáng mừng là trong số những cuộc gọi ít ỏi đó, ngoài những phản ánh bức xúc, ĐDN còn nhận được nhiều lời cảm ơn, chia sẻ tới các tập thể, cá nhân nhân viên y tế đã có thái độ phục vụ tận tình, hết lòng vì người bệnh.

Mặc dù không nhận được nhiều phản ánh về các sai sót chuyên môn cũng như thái độ phục vụ của nhân viên y tế, song, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn luôn đặt vấn đề nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên bệnh viện, nâng cao hiệu quả chăm sóc bệnh nhân lên hàng đầu. Ngoài việc chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bệnh viện luôn quan tâm đến việc tập huấn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử của nhân viên y tế; tổ chức các cuộc họp Hội đồng bệnh nhân để ghi nhận, giải quyết những vấn đề bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Với cách làm ấy, bệnh viện đã từng bước tạo được sự tin tưởng của người bệnh. Anh Bùi Văn Tiến (ở xã Đắk Song, huyện Đắk Nông) người nhà của một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện bộc bạch: “Lúc đưa người nhà đi xét nghiệm phải chờ khá lâu, tôi đã gọi điện đến số điện thoại ĐDN của bệnh viện để phản hồi về vấn đề này. Cán bộ trực ĐDN đã tiếp thu ý kiến và giải thích vấn đề cụ thể cho tôi ngay trong cuộc gọi đó. Tôi cảm thấy thoải mái và hài lòng vì thắc mắc của mình được giải đáp kịp thời”.

Người nhà bệnh nhân đang tìm hiểu các số điện thoại ĐDN tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Người nhà bệnh nhân đang tìm hiểu các số điện thoại ĐDN tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua tìm hiểu tại nhiều bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn, lãnh đạo các bệnh viện đều khẳng định, từ khi niêm yết số điện thoại ĐDN thì đây được xem là kênh thông tin 2 chiều rất hữu ích để bệnh viện có thể nắm bắt về hoạt động của các khoa, phòng, giám sát thái độ phục vụ của nhân viên y tế và giải quyết nhanh những bức xúc của người bệnh, kịp thời chấn chỉnh những sai sót để nâng cao chất lượng phục vụ.

Có thể thấy, việc xây dựng điện thoại ĐDN tại các bệnh viện là động thái tích cực của ngành Y tế nhằm từng bước xây dựng hình ảnh người bác sĩ vì nhân dân phục vụ. Tuy nhiên, để ÐDN thật sự trở thành công cụ giám sát hoạt động hiệu quả, ngành Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân mạnh dạn phản ánh những điều tốt và chưa tốt của ngành; các bệnh viện cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của ÐDN, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ được phân công trực ÐDN. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong việc phản ánh đúng, kịp thời những sự việc chưa hợp lý trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc