Như một lời tri ân
Mới đó mà đã hai tháng tròn kể từ ngày tôi vào chữa trị tại Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gần đến ngày được xuất viện, trong lòng tôi dâng trào biết bao cảm xúc không nói được thành lời.
Thế là tôi lại được đi xe máy, lại được vận động khớp vai như những người bình thường khác. Đó không chỉ là niềm mong mỏi của riêng tôi mà còn là ước mơ của không biết bao nhiêu bệnh nhân sau thời gian dài tập vật lý trị liệu.
Nhớ ngày mới được phẫu thuật, trong lúc vết thương còn đau nhức nhối tôi lại phải đối mặt với một nỗi lo lắng khác khi bác sĩ thông báo rằng phải tập vật lý trị liệu trong thời gian rất dài mới lấy lại được khả năng vận động bình thường. Cái cảm giác buồn bã, chán nản khi vừa ra viện sau phẫu thuật chưa được bao lâu lại phải nhập viện để tiếp tục điều trị cứ xâm chiếm tôi từng ngày. Tôi đã vào khoa này để tập phục hồi chức năng với tâm trạng như thế. Một ngày, hai ngày, một tuần, rồi mười ngày…Thời gian cứ thế trôi qua. Những cơn đau giảm dần, cử động tay và vai ngày càng có sự tiến triển. Đến lúc này, tôi mới có dịp quan sát những bệnh nhân cũng đến tập vật lý trị liệu như mình. Họ cũng như tôi, người bị kém tầm vận động khớp vai, khớp cổ tay, người bị hạn chế tầm vận động khớp gối, khớp cổ chân, người bị thoái hóa đốt sống… Có nhiều người, bệnh rất nặng, chân tay co quắp nhưng với đôi nạng gỗ vẫn ngày ngày miệt mài đến phòng tập. Đối với họ, thời gian luyện tập không chỉ tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng năm. Vậy mà tôi không thể nào hiểu được sức mạnh tinh thần ở đâu để họ vẫn nở nụ cười đầy lạc quan, tin tưởng. Thế rồi những ngày ở phòng tập, tôi mới hiểu ra rằng động lực giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật chính là nhờ những tấm lòng tận tụy, hết lòng với bệnh nhân, đặc biệt là với những bệnh nhân nặng của các bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng. Tôi đã được chứng kiến những cuộc trò chuyện cởi mở, thân tình giữa kỹ thuật viên với người bệnh. Tôi cũng đã được thấy những đôi bàn tay con gái của các kỹ thuật viên như Chi, Ngọc, Hạnh, Phượng, Liễu… kiên trì kéo nắn tay, chân, cổ cho bệnh nhân với sự bền bỉ từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác để mong có sự thay đổi khả năng vận động dù tiến triển rất chậm. Rồi có những bệnh nhân được ra viện. Người bệnh mới lại vào. Riêng những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vẫn ngày ngày thầm lặng với công việc của mình.
Các bệnh nhân đang được chữa trị tại Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Q. Anh |
Ngồi trong phòng tập, nghe tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc loa nhỏ gắn trên tường cùng với bóng dáng dịu dàng của những chiếc áo blouse trắng, bất chợt tôi như quên hết những cơn đau, những lo lắng để cảm thấy lòng thật dễ chịu, ấm áp vô ngần. Sự quan tâm, ân cần với tấm lòng “Lương y như từ mẫu” của những bác sĩ, kỹ thuật viên đã mang đến cho những người bệnh như tôi niềm hy vọng bệnh tật sẽ được chữa khỏi. Bất giác, lời bài hát “Áo trắng thiên thần” lại xao động trong tâm tưởng: “Tôi còn biết gì khi cơn đau giày thân xác. Trong cơn mộng say ai ngồi gần tôi đây. Cũng áo trắng thiên thần ghì tôi chốn dương trần”.
Mấy ngày nữa thôi tôi sẽ được ra viện. Tôi viết bài báo nhỏ này thay lời tri ân gửi đến các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh - những người thầy thuốc bằng lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp đang ngày ngày tận tình chữa trị, xoa dịu nỗi đau tinh thần lẫn thể xác cho biết bao người bệnh như tôi.
Mai Lan Anh
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc