Duy trì lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thừa cân, có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, stress, thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, bị áp lực về tâm lý hay sự thay đổi chế độ ăn uống trong đời sống hiện đại… là những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh lý tim mạch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch hiện là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu. Bệnh có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, thường thì những người ở độ tuổi 50 trở lên mới mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não... nhưng bây giờ bệnh tim mạch đã xuất hiện nhiều ở những người độ tuổi 35 - 40. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch chiếm khoảng 1/4 trong số các bệnh tật khác, tức là trung bình cứ 4 người thì có 1 người mắc bệnh tim mạch.
Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị nội trú cho khoảng 10 bệnh nhân bị bệnh tim mạch và điều trị ngoại trú cho hơn 100 trường hợp. Nguyên nhân gây ra bệnh của những trường hợp này đều liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống, hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, tuổi tác và tiền sử gia đình có cha mẹ bị tiểu đường, bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu...
Bệnh nhân bị bệnh tim mạch đang điều trị tại Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Đ.Thi |
Nhiều bệnh nhân thường không có triệu chứng điển hình, chỉ khi thấy trong người hơi mệt mỏi, hoa mắt, đánh trống ngực, khó thở thì mới đi khám, đo điện tim mới biết mình bị bệnh tim mạch. Ông Ngô Văn Mỹ (58 tuổi, ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) là một trường hợp điển hình. Ông Mỹ rất ít uống rượu, bia, ít hút thuốc, thỉnh thoảng lại bị đau tức giữa ngực, không lan xuống cánh tay hay chỗ nào khác. Ông từng đi khám xét nghiệm tổng quát không phát hiện bệnh gì. Gần đây ông cảm thấy khó thở, mệt người nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tim mạch do huyết áp tăng lên đột ngột. Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (50 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) bị bệnh tim mạch đến nay đã 13 năm. Mấy năm trước bà Hoa có triệu chứng đau ngực, nhói sau lưng, nghĩ là do mình làm việc quá sức dẫn đến mệt mỏi nên bà ra tiệm mua thuốc tây về uống. Một thời gian sau triệu chứng cũ tái đi tái lại, người mệt quá nên bà được người nhà đưa vào bệnh viện chụp phim, đo điện tim mới biết mình bị bệnh tim, hở van 2 lá, suy tim độ 4.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh tim mạch thường liên quan đến việc hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu có thể dẫn đến một cơn đau tim, đau ngực (đau thắt ngực) hoặc đột quỵ. Một số vấn đề về tim khác, ví dụ như những người có ảnh hưởng đến cơ bắp, van tim hoặc nhịp tim cũng được coi là một dạng của bệnh tim mạch. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Chí Huân, Phó Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), khuyến cáo cần phải từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, thực hiện một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý, như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày), hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm chứa nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và rau quả (400 g/ngày), bảo đảm tính cân đối giữa chất đạm nguồn động vật và chất đạm nguồn thực vật; trong đó cần chú ý bổ sung các loại đậu, đỗ, nhất là đậu nành… nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và có một sức khỏe tốt.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc