Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi thói quen để phòng bệnh suy tĩnh mạch

08:24, 08/07/2018

Suy giãn tĩnh mạch chân (còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới) là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, với các triệu chứng đau, sưng, tê, mỏi, ngứa cẳng chân và đùi kết hợp chuột rút về đêm.

Bệnh suy tĩnh mạch có suy tĩnh mạch nông và suy tĩnh mạch sâu. Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch ở mỗi người khác nhau, nếu suy tĩnh mạch nông dưới da sẽ nổi mạch máu xanh to, suy tĩnh mạch sâu có thể không nhìn thấy các biểu hiện dưới da.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiên, Trưởng Khoa Khám (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Người thường xuyên phải làm công việc đứng nhiều, ngồi lâu, phụ nữ thích đi giày cao gót, có thói quen ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài đều có nguy cơ bị suy tĩnh mạch”.

Giày cao gót là bạn đồng hành cùng với bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Ảnh: Internet
Giày cao gót là bạn đồng hành cùng với bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Ảnh: Internet

Đứng lâu trong thời gian dài sẽ gây ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch. Do chân vừa phải chịu trọng lượng của cơ thể vừa phải giữ thăng bằng, máu bị dồn xuống bàn chân, bắp chân làm chân bị tê và sưng lên. Nếu công việc phải đứng lâu 45 phút nên thay đổi tư thế một lần, luyện tập những bài tập chân để cơ vùng chân co bóp, giúp đẩy máu về tim tốt hơn, phòng bệnh suy tĩnh mạch.

Người làm những công việc ngồi lâu, lại thường xuyên ngồi ở tư thế vắt chéo chân, ngồi xổm cũng dễ bị ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch. Tư thế ngồi hạn chế suy tĩnh mạch là ngồi trên ghế sao cho đùi bằng hoặc cao hơn mông, chân chạm đất để giảm thiểu áp lực tác động lên cột máu tĩnh mạch, tuyệt đối không nên ngồi chéo chân. Nếu ngồi lâu nên để chân duỗi thẳng, gác chân lên bục để chân. Khoảng 30 phút nên thay đổi tư thế chân một lần, hoặc tập các động tác gập, duỗi ngón chân, cổ chân, bàn chân. Khi đứng hoặc đi giày cao gót trong thời gian dài, trọng lượng cơ thể dồn về mũi bàn chân làm tăng áp lực lên thành mạch, gây cản trở việc lưu thông máu, làm ứ máu trong lòng mạch và gây suy tĩnh mạch.

Bác sĩ Tiên khuyến cáo, khi đã bị suy tĩnh mạch, có thể tập bất cứ môn thể thao nào nhưng không nên ngồi lâu ở tư thế gập chân. Tốt nhất là bơi lội, đạp xe, đi bộ nhanh. Khi ngủ nên kê cao chân, ngâm chân bằng nước lạnh. Thay đổi thói quen mặc quần bó, đi giày cao gót, ngồi vắt chéo chân, đứng lâu ngồi nhiều...

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc