Tự ý truyền dịch: Nguy hiểm khôn lường
Khi thấy cơ thể mệt mỏi, nhiều người thường có thói quen tự ý đi truyền nước hoặc mua dịch về nhà tự truyền, cho rằng như vậy là làm mát, bồi dưỡng cơ thể, bổ sung các chất dinh dưỡng thay cho bữa ăn… mà không biết rằng các loại dịch truyền đều là thuốc dưới dạng đặc biệt, chỉ được dùng khi có chỉ định điều trị của bác sĩ. Nếu tự ý truyền dịch, người bệnh có thể bị sốc phản vệ gây tai biến nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, tại thị xã Buôn Hồ đã có một trường hợp tử vong do truyền nước ở phòng khám tư. Đó là trường hợp của bà H’Nghin Niê, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cúc (xã Ea B’lang). Trước đó, do thấy mệt trong người nên bà H’Nghin được người nhà đưa đến phòng khám tư nhân trên địa bàn và bà được truyền bình nước đường để nuôi dưỡng đường huyết. Tuy nhiên, sau khi từ phòng khám trở về thì bệnh nhân có biểu hiện co giật, khó thở và tử vong ngay sau đó.
Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất. Hiện trên thị trường có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành ba nhóm cơ bản là: Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể (gồm Glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin); nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (gồm dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...); nhóm đặc biệt (gồm huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử...) dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.
Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định truyền dịch tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Đắk Lắk. |
Hiện nay, rất nhiều người vẫn nghĩ rằng cơ thể mệt mỏi, suy nhược là có thể truyền dịch để bổ sung dưỡng chất, cung cấp nước… mà không biết rằng truyền dịch là biện pháp cấp cứu trong nhiều trường hợp và không phải trường hợp nào cũng có thể truyền dịch. Như chị Nguyễn Thị Bích Ly (trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) mỗi khi thấy người không được khỏe là hay tới các phòng khám tư để truyền dịch. Thậm chí, thấy trên thị trường có bán dạng dịch truyền phối hợp một số vitamin và muối khoáng thường được gọi là đạm hoặc “nước hoa quả”, chị còn mua để truyền với mục đích làm đẹp, cung cấp vitamin cho cơ thể.
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Văn Hinh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: Thực tế, truyền dịch chỉ được dùng khi có chỉ định điều trị các bệnh như tiêu chảy bị mất nước hay thiếu các vi chất cần thiết. Với tỉ lệ 5g đường/100 ml dung dịch thì việc truyền một chai Glucose 5% cũng chỉ tương đương với việc uống 1 muỗng đường hoặc khi truyền một chai dung dịch NaCl 0,9% tương đương uống một chén nước canh; truyền một chai Lactate Ringer chưa bằng uống một gói bù nước Oresol pha với một lít nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên, các loại dung dịch này chỉ được truyền khi người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy vì khi đó cơ thể sẽ không hấp thu được các chất điện giải qua đường ăn uống. Những bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, viêm phúc mạc, bệnh lý ung thư, suy tim, cơn tăng huyết áp cấp cứu… sẽ được chỉ định truyền dịch có pha thuốc kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư, các thuốc trợ tim, nâng huyết áp… để điều trị. Bên cạnh đó, kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện và chỉ được tiến hành tại các cơ sở y tế khi có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng tiêm, truyền dịch với các mục đích không do nhu cầu chữa bệnh. Một số đối tượng cần đặc biệt lưu ý khi truyền dịch là: Trẻ bị sốt không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực nội sọ, tăng phù não; bệnh nhi viêm phổi không nên truyền dịch vì dịch truyền làm tăng gánh nặng cho phổi, tim; bệnh nhi viêm não, viêm màng não, cơ chế chọn dịch truyền phải theo chỉ định của bác sĩ… “Truyền dịch là một kỹ thuật y tế không phải ai làm cũng làm được và còn có những tai biến nguy hiểm, có thể tử vong do đó, người dân tuyệt đối không nên tự ý và lạm dụng truyền dịch”, bác sĩ Bùi Văn Hinh nhấn mạnh.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc