Multimedia Đọc Báo in

Lạm dụng kháng sinh và nguy cơ kháng thuốc

09:45, 23/08/2018

Tình trạng người dân sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, hay một số bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh không hợp lý cho người bệnh đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi đã khiến cho Việt Nam rơi vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Thực tế đáng lo ngại

Sau 2 ngày con sốt cao liên tục không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt và chườm mát, chị P. (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đưa con vào bệnh viện khám bệnh và được yêu cầu nhập viện vì cháu bé bị viêm phổi. Gần 10 ngày điều trị, bệnh của con chưa dứt, chị P. lại được các bác sĩ thông báo cháu không đáp ứng với kháng sinh hiện tại nên phải đổi kháng sinh khác. Nhìn con mệt mỏi, chị P. không khỏi lo lắng: “Con tôi cơ địa hơi yếu nên khi trở trời hay bị sổ mũi, cảm cúm, sốt siêu vi… Mỗi lần như vậy tôi đều đưa con đi điều trị ở phòng khám tư và được bác sĩ cho thuốc về uống. Tất nhiên, mỗi đơn thuốc đều có 1 đến 2 loại kháng sinh, nhưng tôi nghĩ bác sĩ đã cân nhắc kỹ bệnh trạng mới cho cháu dùng kháng sinh nên vẫn tuân thủ cho con uống đầy đủ. Chẳng hiểu sao lại ra cớ sự này!”.

Theo chia sẻ của tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, kháng sinh là loại thuốc uống phải sử dụng đúng liều lượng, tùy theo tình trạng bệnh và từng loại thuốc, tối thiểu phải sử dụng từ 5 ngày trở lên. Song, hiện nay có khá nhiều người bệnh và bậc phụ huynh cho con uống kháng sinh được 2-3 ngày thấy triệu chứng bệnh giảm nghĩ là bệnh đã khỏi nên tự ý ngừng thuốc. Việc sử dụng thuốc không đúng này kéo dài khiến cho vi khuẩn “lờn” thuốc. Còn thông tin từ kết quả khám sàng lọc trên bệnh nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian gần đây cho thấy, có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc.

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.  Ảnh: K.Oanh
Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: K.Oanh

Trên thực tế, tình trạng kháng thuốc không chỉ trì hoãn việc điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp mà còn gây mất hiệu quả trong điều trị, hậu quả là làm tăng thời gian, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong. Trao đổi về vấn đề này, dược sĩ Lê Bá Nguyên, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế cho biết: Kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt vì việc sử dụng chúng không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Với những nước đang phát triển như ở Việt Nam, đây là một nhóm thuốc quan trọng vì bệnh nhiễm khuẩn nằm trong số những bệnh đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, thuốc luôn có hai mặt lợi và hại, nếu sử dụng không đúng sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường, làm phát sinh các loại vi khuẩn kháng thuốc hoặc gây ra những tác dụng phụ cho người dùng. Hậu quả lớn nhất của việc lạm dụng thuốc kháng sinh là kháng thuốc hay còn gọi là “lờn” thuốc kháng sinh, không diệt được vi khuẩn khiến bệnh nặng hơn và việc điều trị về sau là vô cùng khó khăn.

Nỗ lực ngăn kháng thuốc

Trước tình hình kháng thuốc kháng sinh tồn tại nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc đến năm 2020 để đánh giá, giám sát tình trạng kháng thuốc và đưa ra giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Đồng thời, phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn giai đoạn 2017 – 2020. Đề án bắt buộc các nhà thuốc, quầy thuốc phải quản lý thuốc, việc bán thuốc bằng công nghệ thông tin và có lưu đơn; các bác sĩ phải tuân thủ kê đơn thuốc điện tử và có lưu lại đơn để theo dõi việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân trong trường hợp không cần thiết sẽ bị xử lý theo quy định.

Theo thông tin từ lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, tại Việt Nam đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh.

Thực hiện Đề án nói trên, ngày 16-7-2018, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 144/KH-SYT thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn giai đoạn 2018 – 2020. Kế hoạch này đưa ra các mục tiêu: tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc điều trị ngoại trú; thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc, phấn đấu đến năm 2020 có 100% nhà thuốc, quầy thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn nguy cơ kháng thuốc tăng cao, ngoài các biện pháp của ngành chức năng, người bệnh và cộng đồng cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong vấn đề sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh. Dược sĩ Lê Bá Nguyên khuyến cáo: Người dân khi có bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám bệnh kỹ càng và kê đơn chỉ định thuốc cần dùng. Trong trường hợp bệnh bắt buộc phải sử dụng kháng sinh, người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng về thời gian, liều dùng, các lưu ý khi kết hợp thuốc kháng sinh với thức ăn, đồ uống thông thường… để thuốc phát huy tối đa tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Qua đó, vi khuẩn sẽ không có cơ hội phát triển các thể kháng thuốc.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.