Multimedia Đọc Báo in

Mùa mưa, cẩn thận với bệnh viêm phổi ở trẻ

11:13, 26/08/2018
Viêm phổi là một trong những bệnh lý về đường hô hấp phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi và 2 tháng tuổi. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm nhưng thường gia tăng khi thời tiết thay đổi, khí lậu lạnh, mưa nhiều, môi trường bị ô nhiễm… 
 
Vào cao điểm mùa mưa, tại Bệnh viện nhi Đức Tâm (TP. Buôn Ma Thuột), trong số trẻ em nhập viện, có đến hơn một nửa mắc bệnh viêm phổi, chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Bác sĩ Lê Văn Minh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Quản lý chất lượng (Bệnh viện nhi Đức Tâm) cho biết, hiện nay hầu hết các bậc phụ huynh đều quan tâm đến sức khỏe của con nên khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường đã kịp thời nhập viện điều trị. Đây là điều rất đáng khích lệ vì viêm phổi tuy phổ biến nhưng nếu không được chẩn đoán đúng, tự điều trị tại nhà có thể gây hậu quả khôn lường.
 
Bệnh nhi điều trị bệnh viêm phổi tại Bệnh viện nhi Đức Tâm.
Bệnh nhi điều trị bệnh viêm phổi tại Bệnh viện nhi Đức Tâm.
Còn theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), bệnh viêm phổi có liên quan rất lớn đến yếu tố thời tiết và môi trường. Bệnh gia tăng khi trời chuyển lạnh và mưa nhiều như hiện nay bởi vào thời điểm này, độ ẩm ngoài trời tăng cao, nếu cha mẹ không giữ ấm tốt cho trẻ, nhất là trẻ dưới hai tuổi thì trẻ dễ mắc bệnh viêm phổi. Bên cạnh đó, nếu môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm hoặc thường xuyên có khói thuốc lá, trẻ cũng dễ mắc bệnh. Viêm phổi được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi là sốt, ho, thở nhanh, khó thở, thở khò khè, kém ăn, bỏ bú.... Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể khiến cha mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác ở trẻ em như hen phế quản (suyễn), mắc dị vật đường thở, các bệnh lý về tim mạch...
 
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, bệnh viêm phổi dễ tái đi tái lại, ngoài yếu tố môi trường còn do sự thiếu nhận thức của phụ huynh. Nhiều bậc phụ huynh tự điều trị bệnh cho con, khi thấy bệnh không đỡ hoặc nặng hơn mới nhập viện. Hoặc có trường hợp cha mẹ cho trẻ dùng thuốc không đúng theo lời dặn của bác sĩ, thấy con đỡ bệnh thì bỏ thuốc. Điều này không chỉ khiến bệnh dễ tái phát mà còn dễ dẫn đến nguy cơ lờn thuốc, kháng thuốc.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn cho hay, để xác định trẻ có mắc bệnh viêm phổi hay không, các bậc phụ huynh có thể căn cứ vào nhịp thở của trẻ bởi thở nhanh là dấu hiệu điển hình của viêm phổi. Cha mẹ nên đếm số nhịp thở lúc trẻ ngủ, mỗi lần hít vào và thở ra là một nhịp. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở từ 60 lần/phút là nhanh; trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi, nhịp thở từ 50 lần/phút là nhanh; trẻ từ 12 tháng đến 60 tháng tuổi, nhịp thở từ 40 lần/phút là nhanh. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh viêm phổi, phụ huynh nên đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa nhi; tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị khi chưa có chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ. 

Để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý đến sự thay đổi của thời tiết, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao; cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng; tiêm phòng các loại vắcxin đủ liều và đúng lịch; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho ăn dặm đúng cách. Đặc biệt khi trẻ có dấu hiệu sốt, bỏ bú, kém ăn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, không tự ý dùng thuốc. Khi dùng thuốc phải đúng liều theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế tối đa khả năng bệnh tái phát, vì trẻ mắc bệnh viêm phổi nhiều lần sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và trí tuệ.
 
 
Thu Huế - Quang Nhật
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.