Bệnh sốt rét diễn biến phức tạp
Thời gian gần đây, mặc dù ngành chức năng và các cấp chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhưng bệnh sốt rét (SR) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều mối lo.
Bệnh nhân mắc sốt rét tăng cao
Ở trong rừng để khai thác tre, nứa được hơn 1 tuần, bà Trần Thị My (50 tuổi, ở thôn 4, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) bỗng lên cơn sốt, khó thở và cảm thấy ớn lạnh, gai rét. Bà trở về nhà nằm nghỉ 2 ngày, nhưng thấy cơn sốt không cắt và các cơn rét run xuất hiện nhiều hơn nên đến Bệnh viện Đa khoa huyện để khám bệnh. Quá trình thăm khám và làm xét nghiệm máu, các bác sĩ chẩn đoán bà My mắc bệnh SR có ký sinh trùng và chỉ định nhập viện điều trị. Quá trình điều trị, bệnh tình của bà My chuyển nặng và có dấu hiệu biến chứng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Với chẩn đoán SR ác tính, bà My được điều trị tích cực và có dấu hiệu phục hồi tốt.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng chống bệnh sốt rét. |
Bà My chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đi rừng ngủ rẫy bị SR trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng (SR-KST-CT) tỉnh, tính từ đầu năm 2018 đến ngày 10-10, toàn tỉnh ghi nhận 357 trường hợp mắc SR, trong đó có 349 trường hợp xét nghiệm có ký sinh trùng SR. Các ca bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn có nhiều đối tượng đi rừng ngủ rẫy và tiếp giáp với các tỉnh có nguy cơ cao về SR (Phú Yên, Gia Lai, Đắk Nông) như: Ea Kar (76 ca), Krông Năng (46 ca), Buôn Đôn (40 ca), Ea Súp (39 ca), Cư M’gar (22 ca) Ea H’leo (20 ca). Đặc biệt, trong 2 tuần trở lại đây, số ca bệnh tăng mạnh với số mắc từ 25-30 ca/tuần (trước đó lúc cao điểm ghi nhận khoảng 10 ca/tuần). Điều đáng nói, số người mắc bệnh tập trung vào các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy. Nguyên nhân phần lớn là do người dân còn chủ quan, ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân kém, đi rừng, ngủ rẫy không mang theo võng màn đã tẩm hóa chất của ngành y tế cấp để ngủ.
Mối lo sốt rét kháng thuốc
Không chỉ gia tăng về số lượng, thời gian gần đây, tình hình bệnh SR trên địa bàn còn diễn biến phức tạp với sự xuất hiệt của SR ác tính và SR kháng thuốc. Chỉ tính riêng tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận 36 trường hợp SR, trong đó có 2 trường hợp SR ác tính, 2 trường hợp SR thai nghén và 1 trường hợp SR kháng thuốc.
Trên thực tế, việc ghi nhận SR kháng thuốc trên địa bàn là hết sức nguy hiểm bởi khi vi rút SR kháng thuốc, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn, thời gian điều trị cũng kéo dài, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Số liệu mới nhất của Trung tâm Phòng chống SR-KST-CT tỉnh cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 241 trường hợp mắc SR, trong đó có 226 trường hợp xét nghiệm có ký sinh trùng SR. So với cùng kỳ năm 2017, số ca bệnh tăng 26,84% và số có ký sinh trùng SR tăng 36,44%. |
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: Đây là năm đầu tiên Đắk Lắk ghi nhận trường hợp SR kháng thuốc. Bệnh nhân này trước đó được ghi nhận SR 2 lần vào năm 2017. Từ đầu năm đến nay cũng đã sốt 2 lần và mới đây lần thứ 3 bệnh nhân vào viện xét nghiệm vẫn cho kết quả ký sinh trùng SR dương tính. Theo phác đồ của Bộ Y tế năm 2016, trường hợp này nằm trong nhóm kháng thuốc. Sau khi xác định ca bệnh, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn với Trung tâm Phòng chống SR-KST-CT tỉnh, Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện và quyết định đổi phác đồ điều trị. Sau 7 ngày điều trị tích cực, kịp thời, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống
Trước tình trạng bệnh nhân mắc SR gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch, ngành Y tế đang tích cực phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống. Cụ thể, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra giám sát; đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh SR đến người dân, nhất là nhóm dân đi rừng, ngủ rẫy; phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ liều đủ thuốc để ngăn ngừa các trường hợp SR ác tính xảy ra. Đồng thời, Trung tâm Phòng chống SR-KST-CT tỉnh phối hợp với Viện SR-KST-CT Quy Nhơn tổ chức các đoàn công tác đến các điểm nóng về sốt rét để giúp đỡ, giám sát tìm nguyên nhân mắc bệnh, điều tra côn trùng tìm véc tơ truyền bệnh và lấy các lam máu trong cộng đồng để phát hiện chủ động các ca SR.
Bệnh nhân sốt rét điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, tháng 8 vừa qua, Trung tâm Phòng SR-KST-CT tỉnh đã cấp 120 lít hóa chất Fentona 10SC phân bố cho các huyện Ea Kar, Krông Năng, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo phun tạm thời khống chế tại các điểm nóng có số lượng bệnh nhân gia tăng. Mới đây, Trung tâm đã cấp thêm 30 lít hóa chất Fentona 10SC cho hai huyện Ea Kar, Cư M’gar để tiếp tục phun trong các thôn, buôn điểm nóng về sốt rét.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống SR-KST-CT tỉnh, khó khăn trong công tác phòng chống SR mà ngành Y tế đang phải đối mặt ngoài ý thức chủ động phòng vệ cá nhân của người dân chưa cao, còn là sự phục hồi của véc tơ truyền bệnh ở các điểm trước đây đã tồn tại và kinh phí thực hiện điều tra, giám sát, phun tẩm hóa chất phòng chống SR.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc