Multimedia Đọc Báo in

Nữ bác sĩ tận tâm ở một xã vùng sâu

13:27, 13/10/2018

Gắn bó với Trạm Y tế xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) suốt 26 năm qua, dù gặp bao khó khăn nhưng bác sĩ đa khoa Nguyễn Thị Trinh vẫn tâm huyết với nghề, từng bước xây dựng trạm thành điểm khám, chữa bệnh tin cậy cho người dân địa phương.

Năm 1992, khi vừa tốt nghiệp ra trường, mới 23 tuổi, y sĩ Nguyễn Thị Trinh về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn với bao bỡ ngỡ. Mảnh đất hoang sơ, chủ yếu là rừng núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn… tưởng sẽ làm chị nản lòng. Thế nhưng, với tấm lòng của người thầy thuốc, chị nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây, quyết tâm bám trụ để khám chữa bệnh cho người dân. Bác sĩ Trinh nhớ lại: “Lúc tôi mới về nhận công tác, tại xã Hòa Sơn bùng phát dịch sốt rét. Mỗi ngày trung bình có tới 15 - 20 ca mắc bệnh nhưng vì giao thông khó khăn nên nhiều người không tới Trạm Y tế chữa trị. Tôi phải đạp xe, đi bộ hàng chục cây số để đến từng nhà thăm khám cho bệnh nhân. Chỉ cần thấy người dân mạnh khỏe là tôi lại có thêm động lực để thực hiện tốt công việc”.

Hòa Sơn hiện có 15 thôn, buôn với tổng số 2.212 hộ, 10.465 khẩu; trong đó, có 270 hộ dân tộc thiểu số với 1.306 khẩu. Trước đây, do đời sống còn khó khăn nên nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân rất hạn chế. Mỗi khi mắc bệnh, bà con không đến cơ sở y tế mà chỉ thực hiện cúng bái theo tập tục của địa phương; phụ nữ thường sinh con tại nhà, không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế nên tỷ lệ tai biến sản khoa cao; các loại dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy… hoành hành khắp nơi. Trước tình hình đó, chị Trinh và các đồng nghiệp ở Trạm Y tế xã đã không ngại khó khăn, vất vả; không chỉ tận tình khám chữa bệnh cho bà con, triển khai đầy đủ, hiệu quả các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe mà còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Trinh siêu âm cho người bệnh.  Ảnh: Đ.Thi
Bác sĩ Nguyễn Thị Trinh siêu âm cho người bệnh.

Nhờ vậy, đến nay, nhận thức của người dân về việc chăm lo sức khỏe đã được cải thiện đáng kể. Trong năm 2017, Trạm Y tế xã Hòa Sơn đã khám bệnh cho 8.778 lượt người, trong đó có 4.789 lượt bệnh nhân khám bằng bảo hiểm y tế; đạt 97,53% so với chỉ tiêu đề ra. Trung bình mỗi ngày có 25 - 30 lượt người đến khám và điều trị. Trạm hiện có 9 cán bộ, y, bác sĩ luôn tận tâm, tận lực với hoạt động khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các y, bác sĩ tại Trạm luôn không ngừng nỗ lực học tập nâng cao kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề, y đức, tạo niềm tin và sự hài lòng cho người bệnh. Đi đôi với phát triển nguồn nhân lực, Trạm được xây dựng khang trang và đầu tư trang thiết bị như máy siêu âm trắng đen, máy điện tim, máy vi tính… để đáp ứng hơn nữa nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh bùng phát.

Không chỉ giúp Trạm Y tế xã ngày một phát triển, bản thân bác sĩ Trinh cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ nhưng từ năm 2005 - 2009 chị quyết tâm học khóa chuyên tu bác sĩ tại Trường Đại học Tây Nguyên. Năm 2015, chị theo học lớp chuyên khoa sơ bộ về siêu âm, điện tim để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cũng như chăm lo sức khỏe cho người dân trên địa bàn được tốt hơn.

Với những nỗ lực và cố gắng của bản thân, liên tục nhiều năm qua, bác sĩ Trinh đã vinh dự được Sở Y tế, UBND huyện Krông Bông tuyên dương “Lao động giỏi”. Riêng Trạm Y tế xã Hòa Sơn luôn đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”; năm 2014, Trạm còn được Bộ Y tế tặng Bằng khen về chương trình tiêm vắc xin sởi - Rubella. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông nhận xét: “Bác sĩ Trinh là tấm gương điển hình trong công tác khám chữa bệnh của huyện. Đây là một bác sĩ rất có tâm với nghề, không ngại khó khăn, vất vả hay tuổi tác, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và điều hành Trạm Y tế xã Hòa Sơn hoạt động rất hiệu quả. Năm 2017, bác sĩ Trinh đã được bình chọn là gương bác sĩ điển hình của huyện Krông Bông”.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.