Multimedia Đọc Báo in

Cần thiết phải thiết lập Đơn nguyên sơ sinh tại các bệnh viện tuyến cơ sở

15:14, 04/11/2018

Đơn nguyên sơ sinh có ý nghĩa quan trọng trong cấp cứu, điều trị ban đầu những trẻ có bệnh lý sơ sinh, là một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới chăm sóc sơ sinh tại các bệnh viện tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn nên số trẻ mắc bệnh lý sơ sinh nặng đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn gây quá tải cho tuyến trên, tốn kém chi phí cho người bệnh. Vì vậy, việc thiết lập đơn nguyên sơ sinh tại bệnh viện tuyến cơ sở để có thể chăm sóc và điều trị tại chỗ là nhu cầu rất cần thiết. 

Mặc dù đã có Đơn nguyên sơ sinh tại Khoa Nội nhi nhiễm, song trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông hiện vẫn chưa có gì ngoài một lồng ấp chưa từng được sử dụng. Theo bác sĩ CKII Trần Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông, hằng năm, bệnh viện đón nhận gần 1.000 trẻ chào đời; trong đó, có không ít trường hợp là trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bị ngạt, trẻ bị vàng da bệnh lý nặng, trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vì là bệnh viện tuyến huyện, không đủ phương tiện chăm sóc, lại thiếu nhân lực nên những trường hợp này đều phải chuyển lên tuyến trên ngay khi mới chào đời. Đơn cử như năm 2017, có 888 trẻ chào đời tại bệnh viện; trong đó, có 21 trường hợp trẻ sinh non, 43 trường hợp trẻ ngạt. Tất cả những trường hợp này đều chuyển lên tuyến trên. Hiện Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông chỉ điều trị được một số trường hợp như: viêm phổi sơ sinh, viêm da sơ sinh, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng rốn nhẹ, trẻ vàng da nhẹ…

Trẻ sơ sinh đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.
Trẻ sơ sinh đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk, năm 2017 có 762 trẻ chào đời, trong đó, chuyển lên tuyến trên điều trị cho 14 trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, nhiễm trùng sơ sinh nặng, suy hô hấp, bỏ bú. Bác sĩ CKII Nguyễn Như Khánh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk cho biết:  “Mặc dù Đơn nguyên sơ sinh đã được thành lập, song trên thực tế vẫn chưa đi vào hoạt động. Nguyên nhân là do máy móc, trang thiết bị chưa đầy đủ để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh. Vì vậy, hiện nay, tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra đều do Khoa Ngoại sản phụ trách công tác chăm sóc sơ sinh thiết yếu. Còn những trường hợp trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý như: suy dinh dưỡng bào thai, nhiễm trùng sơ sinh nặng, suy hô hấp, bỏ bú, xuất huyết não… đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Bệnh viện chỉ điều trị các bệnh như: vàng da, nhiễm trùng sơ sinh nhẹ…”.

Được biết, hai Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk và Krông Bông đã nâng cấp Phòng chăm sóc sơ sinh thành Đơn nguyên sơ sinh theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế từ nguồn ngân sách của ngành y tế. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện nên việc chăm sóc cho trẻ sơ sinh chưa được thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định chuyên môn của Bộ Y tế. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh chủ yếu được thực hiện tại Khoa Sản.

Vừa qua, Dự án chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk do tổ chức Save the Children thông qua nhà tài trợ là công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản đã hỗ trợ các trang thiết bị, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế để Đơn nguyên sơ sinh tại các bệnh viện trên đi vào hoạt động. Dự án đã hỗ trợ đào tạo 2 khóa về chăm sóc sơ sinh cho mỗi bệnh viện hai êkíp gồm 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng và hỗ trợ mỗi bệnh viện một cơ số trang thiết bị chăm sóc sơ sinh trị giá khoảng 230 triệu đồng/bệnh viện, như: lồng ấp, đèn sưởi, máy hút, máy điều hòa nhiệt độ…

Dự kiến cuối năm nay, Đơn nguyên sơ sinh tại hai bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động, giúp địa phương làm tốt công tác chăm sóc cho trẻ sơ sinh tại chỗ, tăng tính tiếp cận chăm sóc y tế cho trẻ sơ sinh tại địa phương.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.