Gia tăng tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ
Theo các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thiếu niên của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong thanh niên, thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ: Có tới 21% nam thanh niên từ 16 - 24 tuổi hút thuốc.
Nghiên cứu tình trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh ở độ tuổi 13 - 15 cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17%. Mặc dù các trường học, cơ quan, đơn vị đều phổ biến sâu rộng, thường xuyên tác hại của thuốc lá nhưng trên thực tế vẫn còn không ít người hút thuốc lá nơi công cộng.
Dạo quanh các quán cà phê, trà đá vỉa hè hay cổng các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh hiện nay, không khó bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên hút thuốc. Khi được hỏi có biết tác hại của việc hút thuốc lá không, em T.T.T. (học sinh Trường THPT Hồng Đức, TP. Buôn Ma Thuột) vô tư trả lời: “Tác hại của thuốc lá thì được tuyên truyền nhiều, nhưng vì muốn thể hiện mình là đàn ông nên em hút thuốc, với lại hút ngày vài điếu chắc không sao. Đi chơi cùng bạn bè, đứa nào cũng hút thuốc nên em cũng thử cho biết, lâu ngày thành thói quen khó bỏ”. Một học sinh khác là em N.V.B. thì cho hay: “Hút thuốc lá chẳng ngon lành gì nhưng các bạn cùng hút, chả lẽ mình lại ngồi không? Thỉnh thoảng mới hút chắc là không nghiện được đâu”.
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên hút thuốc lá nơi công cộng. |
Trẻ vị thành niên, thanh niên là lứa tuổi dễ bị lôi kéo hút thuốc lá. Các em xem hút thuốc là một cách để thể hiện bản thân. Cũng có những thanh thiếu niên thường biện minh cho hành vi vô thức này là thói quen và cũng là để giải trí cho đỡ buồn ngủ, giải stress khi căng thẳng trong học tập hay vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Từ chỗ cho rằng chỉ hút vài điếu sẽ không bị nghiện, với nhiều học sinh, hút thuốc lá dần trở thành thói quen không bỏ được.
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Bê, Trưởng khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, hút thuốc lá ngoài nguy cơ gây nên bệnh ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư thanh quản, bàng quang... thì chất nicotine có trong thuốc lá có thể gây ức chế thần kinh, lưu lượng máu lên não kém, làm giảm năng lượng hoạt động, sa sút lực học, giảm khả năng tập trung dẫn đến giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự thông minh, sức sáng tạo của thế hệ trẻ.
Để giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá ở thanh thiếu niên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các cơ quan chức năng cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; tích cực tuyên truyền, giáo dục về tác hại thuốc lá tới học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút; vận động để mỗi học sinh, sinh viên là một tuyên truyền viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến bạn bè, người thân của mình. Phụ huynh, thầy cô giáo cần đưa những dẫn chứng cụ thể về tỷ lệ ung thư, tử vong do khói thuốc lá gây ra; hướng các em đến các hoạt động lành mạnh, bổ ích, ý nghĩa…
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc