Huyện Buôn Đôn tích cực ứng phó với nguy cơ bệnh sởi lây lan rộng
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sởi trên địa bàn, huyện Buôn Đôn đã và đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, khống chế không để bệnh lây lan rộng.
Bệnh xuất hiện liên tục, người dân vẫn chủ quan
Thấy con trai Y Rô Ben Niê, 9 tháng tuổi sốt cao, chị H’Boắc Niê (ở buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl) tới quầy thuốc gần nhà mua thuốc hạ sốt về cho con uống. Uống thuốc 5 ngày liên tục, bé không hết sốt mà còn nổi ban đỏ, bắt đầu từ lưng rồi lan dần ra khắp người, chị mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt phát ban nghi sởi và cho nhập viện điều trị tại khu vực điều trị nội trú cách ly. Chị H’Boắc bảo lâu nay không biết gì về loại bệnh này, đến khi được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc phòng ngừa bệnh biến chứng, chị mới hiểu được sự nguy hiểm của bệnh.
Bé H’Li Ta Ayun, 18 tháng tuổi con của chị H’Li Ya Ayun (ở buôn Ea Pri, xã Ea Wer) được người nhà đưa vào bệnh viện khi đã sốt ở nhà được 5 ngày và ban đỏ đã nổi dày khắp người, được bác sĩ chỉ định nhập viện khu điều trị nội trú cách ly với chẩn đoán sốt phát ban nghi sởi và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh. Chị H’Li Ya Ayun tỏ ra áy náy vì bé hay bị ốm, hầu như tháng nào cũng phải đi khám bệnh và uống thuốc nên đến giờ chị vẫn chưa cho cháu tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Cộng tác viên y tế xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm. |
Cũng vì chủ quan, anh Nguyễn Văn Đông (29 tuổi, ở thôn 5, xã Ea Wer) khi bị sốt đã mua thuốc tự điều trị tại nhà, sau đó thấy bệnh có dấu hiệu chuyển nặng như sốt cao hơn và xuất hiện các nốt đỏ ở khắp cơ thể, ho nhiều kèm theo mệt, khó thở thì mới đến bệnh viện khám. Được chẩn đoán sốt phát ban nghi sởi, anh rất lo lắng vì không biết trong thời gian tự điều trị tại nhà có lây bệnh cho người thân không.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, tính từ ca bệnh đầu tiên (nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn ngày 25-9) đến ngày 31-10, toàn huyện ghi nhận 42 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 15 trường hợp dương tính với vi rút sởi, 1 trường hợp dương tính với vi rút rubella. Ông Phùng Anh Kiên, Phó trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện cho biết: Bệnh diễn biến khá phức tạp và trải dài trên tất cả 7/7 xã, trong đó tập trung nhiều nhất ở 3 xã Ea Wer, Ea Nuôl và Tân Hòa. Bệnh không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà được ghi nhận ở mọi lứa tuổi. Trong số 42 ca bệnh nói trên, trẻ dưới 9 tháng tuổi - độ tuổi chưa tiêm vắc xin phòng sởi có 7 trường hợp; trẻ từ 9 tháng đến 15 tuổi là 24 trường hợp và 11 trường hợp từ 16 tuổi trở lên. Điều đáng nói, trong 24 trường hợp ở độ tuổi đã được tiêm vắc xin phòng sởi (9 tháng đến 15 tuổi) có đến 21 trường hợp chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc không nhớ rõ tiền sử tiêm chủng.
Ngăn ngừa bệnh lây lan rộng
Sau khi phát hiện các trường hợp đầu tiên nghi ngờ mắc bệnh sởi, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đa khoa huyện triển khai điều tra, giám sát và lấy mẫu 100% các ca bệnh sốt phát ban nghi sởi gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm xác định; tiến hành điều tra tại cộng đồng và giám sát các ca bệnh nghi ngờ xung quanh ổ bệnh trong vòng bán kính 200 m; khoanh vùng dập dịch, xử lý môi trường, nhất là ở những địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh để ngăn ngừa bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng. Đồng thời, chỉ đạo trạm y tế các xã điều tra, lập danh sách trẻ em từ 10 tháng đến 5 tuổi và 5 tuổi đến 15 tuổi để có kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi; vận động các đối tượng trên 15 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng sởi đi tiêm vắc xin phòng sởi - rubella tại các điểm tiêm dịch vụ để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bé H'Li Ta Ayun điều trị tại khu cách ly, BVĐK huyện Buôn Đôn. |
Đối với hệ điều trị, bác sĩ CKI Trần Quốc Đỉnh, Phó Giám đốc BVĐK huyện Buôn Đôn cho biết: Ngay khi liên tục tiếp nhận các bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi, bệnh viện đã kiện toàn lại tổ chống dịch, tổ điều trị cũng như đội cấp cứu ngoại viện; tổ chức tập huấn lại về hướng dẫn chẩn đoán, giám sát bệnh sởi, công tác chống nhiễm khuẩn; thực hiện phân luồng khám bệnh tại phòng khám và thiết lập khu vực cách ly điều trị nội trú để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo cho bệnh nhân khác và lây lan bệnh sởi trong toàn bệnh viện.
Ngành Y tế huyện Buôn Đôn đã và đang có những động thái tích cực để khống chế bệnh sởi lan rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, do bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dịch tiết mũi họng) nên công tác phòng chống gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, thời tiết giao mùa như hiện nay sẽ khiến sức đề kháng của trẻ em bị suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi phát triển, lây lan nhanh trong cộng đồng. Vì thế, mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh cho chính bản thân và gia đình bằng việc vệ sinh môi trường nơi sinh sống, tiêm vắc xin phòng bệnh và khi phát hiện các dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Tính đến ngày 31-10, toàn tỉnh ghi nhận 66 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 17 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Bệnh được ghi nhận tại 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Buôn Đôn. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc