Multimedia Đọc Báo in

Không nên tự ý điều trị bệnh vảy nến

15:15, 04/11/2018

Vảy nến là bệnh mạn tính, do hiện tượng tự miễn dịch, có những đợt tái lại và hiện tại chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Bệnh gây đau đớn, khó chịu cho người mắc, làm mất tự tin, mất khả năng vận động và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Theo số liệu thống kê, hiện trên thế giới có khoảng 125 triệu bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Người mắc bệnh sẽ bị tổn thương da, điển hình là các mảng viêm, đỏ và có vảy trắng do hiện tượng tăng sinh sừng hóa, ngứa và đau. Bệnh có thể xảy ra bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ móng tay, bộ phận sinh dục đến lòng bàn chân nhưng khu vực thường bị tổn thương nhất là các vùng da xung quanh đầu gối, khuỷu tay, da đầu và thân. Khi mắc bệnh vảy nến, bệnh nhân có thể mắc các bệnh kèm theo như trầm cảm, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, bệnh tim mạch. Trung bình cứ 3 người bị vảy nến thì có một người bị mắc kèm viêm khớp vảy nến. Viêm khớp này gây hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến tàn phế nếu không được chữa trị đúng cách.

Một bệnh nhi bị bệnh vảy nến lan khắp bụng và lưng.
Một bệnh nhi bị bệnh vảy nến lan khắp bụng và lưng.
 

 “Thực tế, bệnh vảy nến rất dễ nhầm là nấm da, viêm da… Điều nguy hiểm là, khi xuất hiện triệu chứng của bệnh, không ít bệnh nhân tự tìm hiểu rồi tự ý mua thuốc chữa. Hậu quả là bệnh nặng hơn, từ khu trú ở một nơi mà thành lan toàn thân do điều trị sai, thậm chí còn gây rối loạn chuyển hóa, sinh ra các bệnh đái tháo đường, suy thận… Do đó, để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, khi nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế như trung tâm da liễu, bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

 

 
Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh

Con gái chị Triệu Thị Nguyệt (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) mới 8 tuổi song đã bị mắc bệnh vảy nến. Chị lo lắng: “Cách đây một năm, con gái tôi xuất hiện những nốt nhỏ như lang ben dưới bụng. Tôi đưa cháu đi khám vài nơi thì được chẩn đoán cháu bị nấm, viêm da… Lấy thuốc uống và bôi một thời gian nhưng bệnh cứ ngày một nặng, lan rộng ra. Các bác sĩ ở Trung tâm Da liễu chẩn đoán cháu bị vảy nến. Nghe nói bệnh này chưa có thuốc chữa khỏi nên tôi vô cùng lo lắng và hoang mang”. Còn ông Trần Ngọc Anh (SN 1966, trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thì đã mắc bệnh vảy nến hơn 20 năm. Ông chia sẻ: “Năm 35 tuổi, tôi phát hiện mình bị nổi các nốt nhỏ ở khuỷu tay, da đầu. Suốt từ đó đến nay, tôi đã tốn rất nhiều tiền của, công sức đi chữa trị khắp tất cả các bệnh viện, thậm chí sang tận Trung Quốc, Mỹ… để chữa nhưng vẫn không khỏi. Bây giờ tôi chỉ biết "sống chung" với căn bệnh này, cố gắng làm sao khống chế để bệnh khỏi lan ra mà thôi. Tôi rất buồn vì bệnh khiến cho những người bệnh như tôi trông mất thẩm mỹ và bị nhiều người xa lánh”.

Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh cho biết: Theo kết quả khảo sát trên hơn 8.000 bệnh nhân ở 30 quốc gia trên thế giới thì có tới 84% bệnh nhân bị kỳ thị, 43% bệnh nhân bị ảnh hưởng đến các mối quan hệ, 54% ảnh hưởng đến công việc và 38% bệnh nhân được chẩn đoán có vấn đề về tâm lý. Hầu hết người mắc bệnh vảy nến đều cảm thấy lo lắng, tự ti, thậm chí rơi vào tuyệt vọng.

Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chưa được xác định. Bệnh chưa được chữa khỏi, nhưng những điều trị tiên tiến hiện nay có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, vấn đề là người bệnh phải đến điều trị tại các cơ sở y tế uy tín như bệnh viện, trung tâm da liễu. Để khống chế bệnh vảy nến, hiện có các phương pháp điều trị gồm thuốc bôi, chiếu tia cực tím, thuốc uống và tiêm. Khi mắc bệnh, bệnh nhân phải tuân thủ quá trình điều trị; có lối sống lạc quan, lành mạnh và tránh những yếu tố khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, chế độ ăn uống nên có nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, giảm mỡ động vật, tăng cường thể dục thể thao và nhất là không tự ý điều trị để tránh hậu quả khôn lường.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.